Liên kết

Lãi suất khó giảm thêm
Theo: Theo Ebank - Cập nhật lúc: 09:07:05 - 04/09/2012

Tại Hội thảo 'Ngân hàng và doanh nghiệp -khơi thông nguồn vốn' diễn ra sáng nay tại TP HCM, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, tính tới tháng 8, những vấn đề kinh tế vĩ mô vẫn chưa có gì mới. Đó là hệ quả suốt 4 năm "kinh tế Việt Nam lên bờ xuống ruộng".

Theo Tiến sĩ Lịch, trong năm 2001, mặc dù nói chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng thực chất là Việt Nam đã thắt chặt khiến tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh, hàng tồn kho tăng cao. Số doanh nghiệp phá sản tăng liên tục từ 2011 đến 2012. Bên cạnh đó, nguy cơ mất thanh khoản của ngân hàng luôn rình rập và xuất hiện tình trạng nợ xấu không kiểm soát nổi, (vì con số đưa ra lệch nhau rất lớn).

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: LC

Đứng trước bài toán nan giải này, nền kinh tế 2012 có bức tranh không sáng sủa. Thời gian qua, mặc dù Ngân hàng Nhà nước cho biết đã bơm 80.000 tỷ qua nhiều kênh, nhưng tiền vẫn không vào được nền kinh tế mà chạy lòng vòng. Trong 8 tháng, tiền gửi tăng 10,26% nhưng dư nợ chỉ nhích lên 1,4%. Điều này chứng tỏ nguồn vốn bị nghẽn chứ không phải Việt Nam thiếu tiền.

Hiện nay, cục máu đông nợ xấu và niềm tin của thị trường sụt giảm đang là vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, theo ông Lịch, lãi suất không còn là vấn đề lớn mà là do hàng tồn kho cao nên doanh nghiệp ngại vay. Thời gian tới Việt Nam cần kích thích thị trường thông qua kênh đầu tư Chính phủ. Đồng thời mở rộng cả tín dụng tiêu dùng, phát triển các quỹ mua nhà trả góp.... "Khi đó mới mong gỡ được nút thắt dòng tiền ra nền kinh tế. Tuy nhiên, phải làm ở mức độ hợp lý để không gây lạm phát cao trở lại", ông Lịch lưu ý.

Đề cập đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho đó là một cuộc đại phẫu thuật, cần phải có sức khỏe ổn định, tức nền kinh tế phải khỏe lại mới tái được. Do vậy, thời gian tới, Chính phủ vẫn điều hành theo nghị quyết 13, tức chỉ kích thích tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường nhằm duy trì ổn định vĩ mô chứ không tung gói kích thích như 2009 để ngăn nguy cơ tái lạm phát cao.

GDP cả năm nay được ông Lịch dự đoán tăng khoảng 5,3%. CPI dao động 7-7,5%. Lãi suất không thể giảm sâu vì lãi huy động khó giảm thêm nữa. Bởi CPI kỳ vọng 7-7,5% thì tiền gửi duy trì lãi suất dương 2% để giữ nguồn tiền gửi từ dân, tránh tình trạng đổi hướng sang đầu cơ vàng, đôla. Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn khá căng, trừ khi chính phủ cho khoanh nợ, giảm nợ...

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thừa nhận, tình trạng hàng tồn kho cao là vấn đề bức bối của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhưng hiện nay, ông cho biết chỉ số này đang giảm dần, một số doanh nghiệp tăng khả năng bán hàng, lại được tiếp sức của đầu tư công và tín dụng ngân hàng.... Tức tình hình 4 tháng cuối năm sẽ tốt hơn so với 7 tháng đầu năm. Nhưng ông Hiển vẫn dự báo GDP khó đạt mục tiêu chính phủ đề ra mà chỉ tăng khoảng 5-5,5%.

Đồng quan điểm, ông Võ Tân Thành, Giám đốc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP HCM, - VCCI nhìn nhận, tình hình tăng vốn đang rất khó khăn, nguồn tiền không vào được sản xuất của doanh nghiệp. Có thể nói giải pháp kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ bước đầu có hiệu quả nhưng lại kèm theo những tác dụng không mong muốn. Doanh nghiệp khó khăn vì hàng tồn kho cao.

Để làm rõ thực trạng này, bà Đoàn Thị Quyên, Viện phát triển doanh nghiệp-VCCI thông tin, tính đến 1/7 chỉ số hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao 21% so với cùng kỳ, trong khi ở cùng thời điểm này năm ngoái chỉ 16%.

Một số ngành có chỉ số hàng tồn kho tăng cao là sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 103,3%, sản xuất thiết bị truyền thông tăng 98,5%...Nếu hàng tồn kho tăng cao thì chi phí bảo quản tăng lên, làm cho chi phí vốn tăng, ...khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm.

Nguyên nhân tình trạng này, theo bà Quyên một phần vì sức mua thị trường giảm, công tác quản trị hàng tồn kho tại doanh nghiệp chưa tốt, xác định chưa chuẩn xác về nhu cầu thị trường và cuối cùng là do những giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ thời gian qua.

Vậy để giảm lượng hàng tồn kho, bà Quyên kiến nghị doanh nghiệp nên tổ chức lại và mở rộng thêm kênh phân phối, chẳng hạn như đưa hàng về nông thôn, giao hàng tận tay tiểu thương...Làm mới phương pháp bán hàng như xuất khẩu online thông qua các trang tin thương mại điện tử, giảm giá bán, tăng cường các chương trình khuyến mãi, chú trọng hơn vào các thị trường xuất khẩu.

Trước tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông cho biết, nhà băng sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp. Hiện nay, OCB đang có nhiều chương trình tài trợ khoản vay, cam kết lãi suất cạnh tranh cho từng thời hạn vay. Quy trình tín dụng đơn giản,...

Ngoài ra, ông Linh chia sẻ thêm, hiện ngân hàng còn ưu đãi lãi suất cho những doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ. Theo đó, doanh nghiệp nào có 51% thuộc sở hữu của nữ, hoặc thành viên hội đồng quản trị có 30% là nữ...thì OCB sẽ có các gói tư vấn dành riêng cho đối tượng này; tìm kiếm bạn hàng và áp dụng lãi suất thấp hơn thị trường 1-1,5% so với thị trường.

Lệ Chi

bình luận 0 Lượt xem 2190
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2012 (02/06/2014)
Những điểm sáng trong mô hình kinh tế hợp tác xã (03/10/2013)
Năm 2012, ngân hàng Việt có thể chỉ còn 2/3 (03/10/2013)
Lãi suất sẽ còn giảm tiếp (21/03/2013)
Hiệp hội QTDND Việt Nam có công văn gửi các QTDND hội viên về đăng ký giải thưởng Bông lúa vàng năm 2011 (16/03/2013)
Thống đốc NHNN trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu Xuân Nhâm Thìn (16/03/2013)
Chính sách tiền tệ: Thuốc sắp ngấm! (16/03/2013)
Khi nợ có khả năng mất vốn của nhiều ngân hàng tăng mạnh (26/07/2012)
Nợ xấu ngân hàng có thể lên đến 10% (25/07/2012)
Thống đốc: "Không thể cứu doanh nghiệp bằng mọi giá" (23/07/2012)

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2422445
Đang truy cập: 7
This page was created in 0.03382 seconds.