Liên kết

Hợp tác để phát triển
Theo: Báo điện tử Cần Thơ - Cập nhật lúc: 14:54:29 - 12/07/2013


Nhận diện thực trạng liên kết

Thời gian qua, chính quyền các tỉnh, thành ĐBSCL đã có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư vào vùng chưa cao, lĩnh vực công nghệ cao rất khiêm tốn, khiến việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng còn hạn chế. Liên kết để xúc tiến đầu tư, tạo động lực phát triển cho ĐBSCL là vấn đề được đặt ra nhiều năm qua, có phân tích nguyên nhân và nêu giải pháp hẳn hòi, nhưng sau các cuộc hội nghị, hội thảo, ký kết hợp tác kết thúc thì “liên kết” cũng “đóng nắp” theo.

 

 

Liên kết để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo là việc làm cấp bách hiện nay.


Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI chi nhánh Cần Thơ) cho rằng DN ở ĐBSCL quy mô nhỏ, tốc độ tăng số DN của vùng giai đoạn 2001- 2010 là 9,5% so cả nước là 21%/năm. Năm 2012, vùng có 42.852 DN, trong đó DNTN chiếm trên 98% và hơn 96% số này có quy mô dưới 50 tỉ đồng. Các DN vùng đang gặp 5 trở ngại là: vốn, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, nhân lực, thuế. Những khó khăn này đã kéo dài từ năm 2007 đến nay qua kết quả điều tra PCI nhưng chưa được cải thiện đáng kể. Các địa phương liên kết xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế, thu hút đầu tư vào vùng thấp, nhất là nguồn vốn FDI. Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ kinh tế- Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết liên kết giữa các tỉnh, thành ĐBSCL còn dàn trải trên nhiều lĩnh vực, nặng tính hình thức, nên chưa thể phát huy hết nội lực của vùng.

Cụ thể như liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã đặt ra hơn 10 năm qua từ khi có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 của Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Quyết định xây dựng trên mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân). Tuy nhiên, khi triển khai thực tế thì chính sách không sát thực tiễn, nông dân và DN- 2 chủ thể chính trong liên kết vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trụ cột chính của kinh tế vùng là nông nghiệp, nhưng trụ cột tăng trưởng đang thấp dần, trong khi ĐBSCL có tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và thủy sản hơn 50%. Đây là gánh nặng lớn cho vùng nếu không cải thiện được giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Theo số liệu tổng kết năm 2012 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, khu vực ĐBSCL đóng góp gần 100% lượng gạo xuất khẩu, cung cấp 70% lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Đây là khu vực đầy tiềm năng, đóng góp tích cực  vào sự phát  triển kinh tế, xã hội của cả nước, nhưng mức đầu tư vào ngành chưa tương xứng và liên kết trong tiêu thụ nông sản còn rời rạc, thiếu định hướng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh, nói: “ĐBSCL có lợi thế lớn về nông nghiệp, nhưng chưa phát huy hết khả năng, do thiếu liên kết. Đơn cử đối với gạo, xuất khẩu tốp đầu thế giới, nhưng chưa có thương hiệu chung cho hạt gạo; việc vận động thành lập Hiệp hội cá tra phải mất 11 năm và mới vừa ra mắt hiệp hội hồi đầu tháng 3-2013. Vấn đề khác là Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL từ năm 2009 và 4 địa phương: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã ngồi lại để bàn và đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế chính sách cho vùng kinh tế trọng điểm, nhưng đến nay chưa có chính sách nào cho vùng được ban hành. Nhà đầu tư vào đây cùng mệt mỏi. Nếu ĐBSCL có chung tiếng nói sẽ phát huy được thế mạnh, tiềm năng của vùng”. Ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Vì sự phát triển bền vững của DN, với trách nhiệm của mình, chúng tôi cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất khi các DN đến đầu tư tại Hậu Giang”. Song, vấn đề mà các tỉnh, thành trong vùng quan tâm là khi xây dựng cơ chế liên kết thì rất cần “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm tổng hợp, phân vai thực hiện.

Cụ thể hóa liên kết

Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM, cho biết: “Bình quân mỗi ngày TP HCM tiêu thụ khoảng 1.000- 1.100 tấn nông sản thực phẩm và khoảng 2 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn rau củ quả các loại; trong đó các sản phẩm nông nghiệp của thành phố chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu tiêu thụ, phần còn lại phải lấy từ các tỉnh Đông và Tây Nam bộ, từ nguồn nhập khẩu. Đây là thị trường tiềm năng cho nông sản ĐBSCL”. Chương trình hợp tác kinh tế- xã hội giữa TP HCM với các tỉnh, thành được triển khai nhiều năm qua; năm 2012 TP HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác công thương với 7 tỉnh miền Đông và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Theo ông Hiệp, đây là chương trình hợp tác chuyên ngành đầu tiên của TP HCM về hoạt động công thương với các tỉnh, thành nhằm thiếp lập mối quan hệ, xác định thế mạnh, tiềm năng để hỗ trợ các địa phương. Năm 2012, các DN TP HCM đã đầu tư hoặc liên kết đầu tư với các tỉnh, thành ĐBSCL với tổng vốn hơn 7.000 tỉ đồng. Trong đó, liên kết và cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, làm trang trại rau sạch khoảng 1.250 tỉ đồng, các DN trong chương trình bình ổn giá đã ký kết bao tiêu sản phẩm cho các địa phương với tổng vốn hơn 5.300 tỉ đồng. Hiện 3 chợ đầu mối nông sản của thành phố tiếp nhận khoảng 8.000 tấn hàng nông sản, thực phẩm/ngày từ các địa phương mà chủ yếu là các tỉnh, thành Đông Nam bộ và ĐBSCL. Ông Hiệp cho rằng, chương trình hợp tác công thương giữa TP HCM và ĐBSCL rất quan trọng, giúp các DN thành phố đặt mối liên kết, từng bước khép kín quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, hướng đến sự phát triển bền vững. Năm 2013, TP HCM tập trung hỗ trợ các địa phương xây dựng mạng lưới phân phối hiện đại và đưa nông sản vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị của thành phố.

Theo ông Văn Đức Mười, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, TP HCM là trung tâm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lớn nhất cả nước, cũng là trung tâm giao dịch hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, TP HCM cần phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, trở thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp hiện đại để trao đổi và chuyển giao cho các vùng chăn nuôi, trồng trọt, sau đó thu mua sản phẩm từ các vùng này cung ứng tiêu thụ nội địa, xuất khẩu. Để làm được điều này cần định hướng cụ thể từ cấp vĩ mô về xu thế phát triển, cân bằng cung- cầu và dự báo thị trường chính xác thông qua quy hoạch sản xuất đảm bảo chuỗi lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, không mô hình liên kết cụ thể nào cho kết quả tối ưu trong mọi hoàn cảnh, mà tùy theo tình hình thực tế để có sự phối hợp giữa các mô hình, bổ sung cho nhau, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia trong chuỗi.

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế- Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng liên kết vùng ĐBSCL- TP HCM là nhu cầu tất yếu. Theo đó, cần cụ thể hóa chương trình hợp tác toàn diện giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và TP HCM và giữa TP HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL thành kế hoạch cụ thể hằng năm. Tăng cường công tác liên kết xúc tiến đầu tư- thương mại- du lịch để giới thiệu tiềm năng, sản phẩm đặc trưng của ĐBSCL. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đi kèm với các chuỗi liên kết là giải pháp căn cơ và cơ chế đặc thù cho vùng từ Trung ương.

bình luận 0 Lượt xem 2959
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Hội chợ TM Cần Thơ - Ngày khai mạc, khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm (31/12/2015)
NGÀY THI ĐẦU TIÊN ĐỢT 2 KỲ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG NĂM 2013 Ở CẦN THƠ Hơn 49.500 thí sinh dự thi các môn thi đầu tiên (10/07/2013)
Đợt II kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2013 612.237 thí sinh làm thủ tục dự thi (09/07/2013)
Mặt trận Tổ quốc thành phố kiến nghị điều chỉnh tăng tiêu chí thu nhập hộ nghèo theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (02/07/2013)
Thực hiện Nghị định 15 Nâng cao trách nhiệm quản lý chất lượng công trình (27/06/2013)
Cần doanh nghiệp nỗ lực tham gia (13/06/2013)
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TP CẦN THƠ (11/06/2013)
Phát triển vườn cây ăn trái kiểu mẫu kết hợp du lịch sinh thái (10/06/2013)
Cần Thơ: Giá trị hàng tồn kho BĐS lên tới 9.000 tỷ đồng (08/06/2013)
Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy: THỰC HIỆN TỐT QUY HOẠCH, TẠO NỀN TẢNG ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (07/06/2013)

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2967326
Đang truy cập: 6
This page was created in 0.04052 seconds.