Liên kết

Nỗi lo phía sau tín hiệu tốt
Theo: Thời báo ngân hàng - Cập nhật lúc: 13:55:27 - 17/07/2013


Lạm phát thấp nhưng chưa vững chắc

Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tài chính vẫn lưu ý khả năng tăng giá cao trở lại ở những tháng cuối năm, sản xuất vẫn trì trệ, đời sống của bộ phận những người “làm công ăn lương” đang khó khăn hơn.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho biết, mức tăng thấp của CPI tháng 6/2013 là hợp lý vì đang ở giữa chu kỳ giảm của CPI. Nhưng theo chu kỳ các năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thường tăng cao nhất vào tháng 1, tháng 2 (tháng Tết âm lịch), sau đó giảm dần từ tháng 3 tới tháng 8. Sang tháng 9 là bắt đầu chu kỳ tăng giá cho tới cuối năm và những tháng Tết âm lịch năm sau.


Chỉ số CPI theo tháng năm 2013


Có 6 yếu tố làm tăng CPI những tháng cuối năm được ông Tuyến chỉ ra. Đó là Chính phủ sẽ thực hiện một số giải pháp nới lỏng tài khoá và tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế; Từ 1/7/2013, lương cơ bản đã tăng; Khả năng thâm hụt thương mại tăng cao và sẽ tác động tới lạm phát; Giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện, giá xăng sẽ tăng theo lộ trình; Tháng 9 bắt đầu chu kỳ tăng giá; Tồn kho sẽ tăng trở lại, chi phí sản xuất tăng làm cho giá sản phẩm tăng…

Ở một chiều nhìn nhận khác, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) khẳng định, lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và hoàn toàn có thể kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012, nhưng vẫn cần lưu ý: “trạng thái lạm phát thấp thực tế là một cân bằng không bền và rất dễ bị phá vỡ, trong khi tình trạng lạm phát cao luôn có khuynh hướng quay trở lại”.

Bà Ngọc bổ sung thêm những yếu tố có thể tác động làm tăng giá trong thời gian tới, đó là đã vào mùa mưa lũ. Mưa lũ và thiên tai cũng thường gây nên lạm phát cục bộ tại địa phương, tác động đến lạm phát chung. Bà Ngọc bổ sung thêm: nếu Hà Nội tăng viện phí sẽ góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng 0,28%; riêng TP. Hồ Chí Minh dự tính sẽ tăng học phí vào tháng 9/2013 với mức tăng gấp 6 lần sẽ đóng góp vào chỉ số CPI chung tăng khoảng 0,75%.

Không thể tốt hơn Nghị quyết 01, 02

Bên cạnh niềm vui lạm phát thấp cũng chính là nỗi lo ngại từ câu chuyện chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp giữa các tháng. TS. Ngô Trí Long cho rằng: “Do kinh tế khó khăn với những tác động không mong muốn đã dẫn đến lạm phát thấp. Hàng tồn kho vẫn cao, sức mua giảm mạnh làm cho giá cả thị trường giảm”.

Nhìn trên số liệu thống kê, hàng tồn kho giảm, như vậy về vĩ mô, đây là một dấu hiệu tốt. Nhưng theo ông Tuyến, nếu xem xét tiêu chí giá trị hàng tồn kho so với giá trị hàng sản xuất thì tỷ lệ giá trị hàng tồn kho hiện là 75,4% - cao hơn mức tồn kho thông thường (65%). Mức độ tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp và tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Ông kết luận: số liệu tồn kho 6 tháng giảm là do DN dừng sản xuất chứ không phải là do cầu đã phục hồi.

“Chỉ số tồn kho giảm chỉ có ý nghĩa an ủi. Hàng tồn kho vẫn là nút thắt”, theo TS. Nguyễn Minh Phong. Cùng một góc nhìn, bên cạnh những hy vọng từ những số liệu vĩ mô vẫn lạc quan mới được nhận diện, ông Phong nêu lên những điểm khó của nền kinh tế trong thời gian tới đây: “Khi sản xuất suy giảm suốt 2 năm qua, chúng ta đã từng trông chờ ở lĩnh vực dịch vụ và du lịch, nhưng đến nay, khách du lịch giảm mạnh, doanh thu dịch vụ chậm được cải thiện. Một nút thắt nữa, đó là triển khai Nghị quyết 01, 02 chậm”.

Các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, những năm vừa qua, liên tục đưa ra những khuyến nghị chính sách góp phần cùng Chính phủ giải quyết các vấn đề. Thế nhưng lần này, các chuyên gia kinh tế đều cùng quan điểm, như ông Long, ông Tuyến, ông Phong và Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, đó là “Mọi giải pháp đều đã được nêu ở Nghị quyết 01, 02”. Thẳng thắn và kỹ tính như bà Phạm Chi Lan cũng đã cho rằng “không còn giải pháp nào vượt qua khỏi các giải pháp được nêu ở các Nghị quyết 01, 02. Thế nhưng, việc thực hiện chậm quá”.

bình luận 0 Lượt xem 3061
Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2391984
Đang truy cập: 5
This page was created in 0.28505 seconds.