Liên kết

Luật Đất đai sửa đổi: Chưa tạo bước đột phá căn bản
Theo: Thời báo ngân hàng - Cập nhật lúc: 14:36:52 - 18/06/2013


Trưng mua quyền sử dụng đất chưa hợp lý



Ảnh minh họa     


Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: Về cơ chế thu hồi đất quy định tại tại Mục 1 Chương VI, Ban soạn thảo chưa đưa ra để tiếp thu cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất là chưa hợp lý và thiếu tính thuyết phục. Bởi lẽ theo ông, chúng ta đang có sự nhầm lẫn trong các lý giải việc trưng mua đất và trưng mua quyền sử dụng đất.

Đồng ý với Ban soạn thảo là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó không thể dùng cơ chế trưng mua đất, nhưng quyền sử dụng đất lại khác. Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) năm 1992, Điều 58 quy định "quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ", Bộ luật Dân sự năm 2005 thì quy định quyền sử dụng đất là tài sản. Do đó có đầy đủ các quyền như mua, bán, tặng, cho, thế chấp.

Vì vậy, khi Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thì quyền sử dụng đất đó cần được bảo hộ. Trường hợp cần thiết vì lý do phát triển kinh tế, Nhà nước sẽ trưng mua lại quyền sử dụng đất đã giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trước đó.

“Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là trưng mua quyền sử dụng đất chứ không phải là trưng mua đất”, ông Vinh nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi thảo luận của các đại biểu Quốc hội (khóa XIII) ở Hội trường về Dự thảo "Luật dất đai" (sửa đổi), sáng 17/6, một số ý kiến cho rằng, doanh nghiệp và người dân đều là những chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai. Vì vậy, các chủ thể này phải được đối xử bình đẳng trước pháp luật, cả về quyền lợi và nghĩa vụ.

Theo đó, một số ý kiến cho rằng nếu chúng ta chỉ quy định thu hồi đất, thì rõ ràng chúng ta đang đối xử không công bằng với người dân, lợi ích chính đáng của họ trước pháp luật chưa được tôn trọng và bảo vệ, người dân vẫn sống trong cảnh thụ động, với tâm lý có thể bị tước đoạt tài sản bất cứ lúc nào.

Đối với tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc. Đây là tài sản thuộc sở hữu của người dân, họ phải đổ mồ hôi, công sức và cả tính mạng để xây dựng lên, không phải sở hữu của Nhà nước nhưng lâu nay chúng ta đã đánh đồng 2 làm 1 mà thu hồi tất cả.

“Ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở pháp lý nào để chúng ta thu hồi cả tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của người dân. Tại sao chúng ta không dùng cơ chế trưng mua hay cơ chế thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về giá bồi thường đối với loại tài sản này. Nếu tiếp tục quy định thu hồi đất đối với loại tài sản này có vi hiến hay không”, ông Vinh đặt câu hỏi.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần phải bảo đảm hài hòa mục tiêu đất để phát triển kinh tế-xã hội với vấn đề an dân. Nếu coi nhẹ vấn đề an dân thì mục đích phát triển kinh tế-xã hội cũng khó có thể đạt được. Vì lòng dân chưa thuận sẽ tiếp tục tình trạng khiếu kiện tranh chấp về đất đai, tình trạng hoang phí, lãng phí đất đai tiếp tục tồn tại.

Liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhiều đại biểu cho rằng đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng phức tạp trong thời gian qua. Vì vậy, sửa đổi Luật đất đai cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chứ không phải việc cứ đưa người dân vào các khu tái định cư là xong.

Đồng quan điểm này, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng, đất đổi đất, nhà đổi nhà, người dân không phải bỏ thêm tiền, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thêm kinh phí để người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Ban soạn thảo cần thiết kế cơ chế nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời với việc Nhà nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất và cơ chế tự thỏa thuận về giá đất bồi thường giữa doanh nghiệp và người có đất bị thu hồi.

Giá đất vẫn là… “điểm nghẽn”

Về giá đất, một số ý kiến cho rằng, mặc dù Ban soạn thảo đã cố gắng tiếp thu, chỉnh lý và có những sửa đổi so với Luật Đất đai hiện hành như thiết kế một điều luật riêng cụ thể về nguyên tắc định giá đất tại Điều 110, bảng giá đất và giá đất cụ thể tại Điều 112, nhưng nội dung về giá đất trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này vẫn là một điểm nghẽn, thể hiện sự lúng túng của cơ quan soạn thảo, không có bước đột phá căn bản.

Các quy định về giá đất trong dự thảo luật vẫn nghiêng nhiều về bảo vệ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu trong việc áp đặt giá đất. Chưa có tiêu chí cụ thể để xác định giá đất, cơ chế định giá đất, vẫn chỉ là Chính phủ quy định khung giá đất, nguyên tắc phương pháp xác định giá đất, sau đó Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá đất tại địa phương.

Vì vậy để hoàn thiện bảng giá đất trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), các đại biểu đề nghị các quy định về giá đất phải giải quyết được vấn đề hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai là Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Không để tình trạng giá đền bù, hỗ trợ thu hồi đất thấp trong khi các nhà đầu tư được lợi rất lớn, có khi cao gấp hàng trăm lần khi chuyển nhượng đất, giao đất cho người khác trên thị trường.

Bên cạnh đó, cần thiết phải xây dựng một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai, nhằm tách bạch cho được thẩm quyền quyết định về đất đai và thẩm quyền quyết định về giá đất, tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng vừa thổi còi.

Ngoài ra, cũng cần xây dựng trong luật cơ chế tự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân, vì đây là hai chủ thể kinh tế độc lập, bình đẳng và cần được đối xử công bằng. Nhà nước không nên đứng ra đền bù đất cho các dự án kinh tế bằng bảng giá đất của Nhà nước.

Về thu hồi đất, nhiều ý kiến tán thành quy định Nhà nước thu hồi đất. Một số ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng. Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. Có ý kiến đề nghị đối với tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân gắn liền với đất thì phải trưng mua.

Nguồn: Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

 

bình luận 0 Lượt xem 2393
Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2421884
Đang truy cập: 6
This page was created in 0.04442 seconds.