Liên kết

Các nền kinh tế lớn bắt tay vượt khó
Theo: Thời báo ngân hàng - Cập nhật lúc: 09:51:49 - 21/05/2013


Đồng thuận vì sự thịnh vượng chung

Hội nghị bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa diễn ra, dù không đạt được bước đột phá nào song cũng cho thấy sự đồng thuận trong nhiều vấn đề vì mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.


Chính sách nới lỏng tiền tệ táo bạo giúp kinh tế Nhật khởi sắc hơn


Các quan chức tài chính tham dự hội nghị đã tái khẳng định rằng, thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong tiến trình đảm bảo sự phục hồi kinh tế bền vững, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được cho là còn nhiều khó khăn. Bởi vậy các quốc gia G7 nhất trí rằng, cần phải cải cách cơ cấu để thúc đẩy cạnh tranh tăng trưởng, kể cả các thỏa thuận thương mại mới.

Đặc biệt tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Thống đốc NHTW nước này Haruhiko Kuroda đã có thể thở phào khi các nước G7 khác không công khai chỉ trích chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản, thậm chí cũng không hề tranh luận về việc đồng USD vượt ngưỡng 100 yên ngay trước thềm hội nghị.

Các quan chức tài chính Nhật Bản luôn khẳng định họ phải thực hiện chính sách tiền tệ cực lỏng như hiện nay chỉ để chấm dứt hai thập niên kinh tế trì trệ vì giảm phát chứ không phải để ghìm giá đồng yên nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, người chủ trì hội nghị, chỉ nhắc lại rằng G7 tái khẳng định lại cam kết đưa ra hồi tháng 2 là các chính sách tài chính và tiền tệ chỉ phục vụ mục tiêu riêng của từng nước và không phải nhằm mục tiêu tỷ giá.

Các quan chức cũng nhất trí theo đuổi các biện pháp trừng phạt các ngân hàng bị sụp đổ, cam kết phải nhanh chóng hoàn thành các quy định để đảm bảo "không có ngân hàng nào quá lớn để không thể cho sụp đổ". Bên cạnh đó, G7 cũng khẳng định tầm quan trọng của sự hợp lực để chống lại tình trạng trốn thuế, ưu tiên hàng đầu mà Anh đặt ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch G7.

Nới lỏng tiền tệ vẫn là dao hai lưỡi

Tại hội nghị vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đề nghị những người đồng cấp tập trung vào vấn đề các NHTW có thể làm gì hơn nữa để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong lúc hầu hết các chính phủ đang nỗ lực cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

Trong những tuần gần đây, các ngân hàng đã hành động nhiều hơn vì mục tiêu này. Chẳng hạn NHTW châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục mới và có thể thúc đẩy hoạt động cho vay đối với DNNVV. NHTW Nhật Bản mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để vực dậy tăng trưởng kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục chương trình mua trái phiếu. NHTW Anh mới đây cũng đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện hành, sau khi mở rộng chương trình tín dụng gần đây.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty trước cuộc họp cho rằng, việc dư thừa nguồn vốn trong nền kinh tế thế giới có thể làm tăng lạm pháp, thổi phồng bong bóng tài sản và lại gây ra tình trạng hỗn loạn và lưu ý rằng kinh nghiệm cho thấy một trong những dấu hiệu trước cuộc khủng hoảng 2008-2009 là có quá nhiều nguồn vốn dư thừa trong các nền kinh tế.

Các quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cảnh báo việc nới lỏng tiền tệ chưa từng có đang tạo ra những dòng chảy tiền mặt lớn trên thị trường thế giới và điều này có thể dẫn đến nguy cơ bong bóng tài sản tại một số thị trường mới nổi. Bong bóng tài sản đang ngày một tăng lên và nếu không được kiểm soát, có thể xảy ra một sự bùng nổ nghiêm trọng.

Hơn nữa, điều mà nhiều chuyên gia lo ngại là việc hạ lãi suất tại các nền kinh tế phát triển không phải là chìa khóa cho mọi vấn đề. Bởi vậy các ngân hàng sẽ phải nghĩ đến các giải pháp mới, các công cụ mới. ECB đang xem xét việc hỗ trợ cho vay đối với các DNNVV, bộ phận DN có thể giúp hạ tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone và cân nhắc việc mua trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản như một cách trợ giúp cho các DN này.

Bức tranh phục hồi nhiều màu

Một loạt các số liệu công bố trong thời gian tới sẽ vẽ nên một bức tranh nhiều màu về kinh tế toàn cầu, khi việc thắt lưng buộc bụng đang tiếp tục làm suy yếu hoạt động kinh tế ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong khi các chính sách táo bạo đang giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

Các báo cáo từ Mỹ được dự đoán là sẽ cho thấy động lực tăng trưởng yếu hơn vào đầu quý II và triển vọng của kinh tế Trung Quốc cũng không thể thay đổi nhiều. Ruth Stroppiana, nhà kinh tế quốc tế trưởng ở Moodys Analytics tại Sydney nhận định, tăng trưởng kinh tế của toàn cầu sẽ còn yếu kém hơn nữa trong quý II, chủ yếu do chính sách tài chính khắc khổ ở Mỹ và châu Âu.

Trong khi Eurozone đang nỗ lực để thoát khỏi suy thoái, kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ khá hơn sau khi èo uột trong quý IV năm ngoái, nhờ một phần vào quyết tâm của chính phủ trong việc chấm dứt hai thập kỷ giảm phát. Theo dự báo, kinh tế Nhật Bản có thể tăng 0,7% so với quý trước. Nhà kinh tế trưởng của Barclays tại Nhật Bản Kyohei Morita cho rằng, tăng trưởng GDP thực của nước này sẽ tăng, khi các dấu hiệu ban đầu cho thấy chi tiêu tiêu dùng vẫn ổn định trong quý II.

Tại Mỹ, bức tranh không được sáng sủa như vậy. Mặc dù doanh số bán lẻ tăng nhẹ trong tháng 4, song khi tăng trưởng lương thấp và tốc độ tiết kiệm chậm lại, mức tăng chi tiêu tiêu dùng sẽ bị hạn chế, dù giá nhà tăng ở mức hai con số và giá chứng khoán cao kỷ lục. Trong khi đó, hoạt động sản xuất cũng không trợ giúp được nhiều cho nền kinh tế, khi sản lượng công nghiệp có thể ở mức khiêm tốn trong tháng 4, do sản lượng chế tạo không tăng.

Với Trung Quốc, không có nhiều thay đổi với triển vọng kinh tế của nước này, sau khi tăng trưởng lại giảm trong quý I. Doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng trước tăng 12,8%, đúng như dự báo, cao hơn không đáng kể so với mức tăng 12,6% của tháng 3. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tăng 9,3% trong tháng 4, cao hơn so với mức tăng trưởng tương ứng 8,9% của tháng 3, song vẫn thấp hơn mức dự báo 9,5% của giới phân tích.

bình luận 0 Lượt xem 2209
Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2420752
Đang truy cập: 2
This page was created in 0.05628 seconds.