Liên kết

Người Nhật đã dạy người châu Á tiết kiệm?
Theo: Ngọc Diệp (TTVN/ForeignPolicy) - Cập nhật lúc: 04:39:01 - 16/03/2013
Thói quen tiết kiệm của người châu Á không liên quan quá nhiều đến yếu tố văn hóa và lịch sử như nhiều người lầm tưởng.

.

.

 Khác với những gì người ta nghĩ, tỷ lệ tiết kiệm cao tại Trung Quốc liên quan chặt chẽ đến chính sách và các tổ chức. Yếu tố văn hóa không quá lớn đến vậy.

 Ông Sheldon Garon, giáo sư lịch sử và nghiên cứu Đông Á tại đại học Princeton, là một học giả hàng đầu về Nhật. Cuốn sách mới nhất của ông có tên “Beyond Our Means: Why America Spends While the World Saves” tạm dịch “Tại sao người Mỹ chi tiêu trong khi thế giới tiết kiệm?” lý giải tại sao người dân tại một số nước tiết kiệm nhiều hơn so với nhiều nước khác.

 Thông thường người ta tin rằng, chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Nhật và các nước thuộc nhóm “con hổ Đông Á”, quyết định tiết kiệm trong gia đình châu Á đến từ văn hóa xuất phát điểm bởi những điều được răn dạy trong Đạo Khổng tử và vì vậy chính sách của chính phủ chẳng liên quan nhiều.

 Vì vậy, những nước đang trong thời kỳ tăng trưởng như Mêhicô hay Nam Phi cần phải nhập khẩu vốn hoặc phải chấp nhận tỷ lệ đầu tư thấp. Thế nhưng trong đoạn trích cuốn sách này, với trọng tâm chủ yếu vào Trung Quốc, ông Garon cho rằng hành vi tiết kiệm liên quan trực tiếp đến chính phủ hơn người ta tưởng.

 Xuất khẩu thói quen tiết kiệm hay huyền thoại về “giá trị châu Á”

 Chắc chắn, xã hội các nước Đông và Đông Nam Á luôn có văn hóa hướng đến tính tiết kiệm. Thế nhưng ông Garon hoài nghi về tính bất biến và riêng biệt của cái gọi là văn hóa châu Á trong hành vi tiết kiệm và tiêu dùng.

 Quan điểm tiết kiệm trong các nền kinh tế châu Á không liên quan quá nhiều đến văn hóa đặc trưng châu Á mà có ràng buộc nhiều hơn đến việc áp dụng thói quen tiết kiệm từ nhiều nước khác.

 Dù thực dân phương Tây đã từng mang vào châu Á một số quan điểm về tiết kiệm, yếu tố ảnh hưởng chính vẫn đến từ nước Nhật và nhiều chính sách của nước này trong khuyến khích tiết kiệm. Trước năm 1945, người Nhật áp dụng mô hình Nhật lên các thuộc địa và khu vực bị chiếm đóng. Cho đến gần đây, các nước châu Á áp dụng chính sách mà chính phủ Nhật sử dụng để có được thành công kinh tế thần kỳ sau thời kỳ Hậu Chiến tranh thế giới thứ Hai.

 Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế khuyến khích chính phủ các nước đang phát triển huy động tiết kiệm nội địa để có tiền cho tăng trưởng kinh tế. Đến thập niên 1960, Nhật thực hiện theo chiến dịch này. Dưới sự lãnh đạo của Okia Saburo và Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật, chuyên gia kinh tế Nhật đánh giá cao tính tiết kiệm, chi tiêu ít và khẳng định chính yếu tố đó mang lại tăng trưởng kinh tế cao cho Nhật và có ý nghĩa quan trọng với nhiều nền kinh tế đang phát triển khác.

 Sau khi đồng yên tăng giá so với đồng USD giai đoạn 1985 – 1987, giới chức Nhật trở thành nhà truyền giáo. Bởi các doanh nghiệp Nhật đầu tư mạnh vào sản xuất Đông Nam Á, đại diện chính phủ Nhật luôn tự tin tư vấn chính phủ các nước Đông Nam Á rằng họ cần huy động tiền tiết kiệm của các hộ gia đình.

 Cơ quan phụ trách vấn đề tiết kiệm của Nhật (JPSB) đóng vai trò quan trọng, cơ quan chi tiền tổ chức buổi họp hàng năm cho đại diện chính phủ nhiều nước châu Á. Giới chức Nhật sẽ giảng giải cho chính phủ các nước về đức tính tiết kiệm của người Nhật và nói đến thành công trong việc tạo dựng được niềm tin vào tiết kiệm của mỗi người dân. Quan chức chính phủ Nhật khẳng định chính sách khuyến khích tiết kiệm rất hiệu quả trong kiềm chế lạm phát, tích lũy vốn và bình ổn xã hội.

 Tương tự như vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật liên tục tổ chức các buổi nói chuyện về vấn đề tiết kiệm với sự tham dự của đại diện các Ngân hàng Trung ương đến từ nhiều nước châu Á Thái Bình Dương. Chính phủ nhóm nước mới nổi châu Á bao gồm Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Trung Quốc cũng đã học được ít nhiều từ các buổi họp như thế này, điều rất ít người biết.

 Tại sao người Trung Quốc tiết kiệm?

 Bao lâu nay người ta đã lo lắng về tình trạng người dân nhiều nước lớn tại châu Á tiết kiệm quá mức. Cách đây khoảng hơn 2 thập kỷ, tỷ lệ tiết kiệm cao và tiêu dùng thấp của Nhật khiến thế giới hết sức quan tâm. Nhiều bình luận gia của Mỹ lo lắng về khả năng nước Mỹ mất chủ quyền quốc gia bởi tiền tiết kiệm của Nhật đầu tư vào trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ quá nhiều.

 Ở thời điểm nào đó, giới truyền thông cũng không còn quan tâm nhiều đến việc trên dù chính phủ Nhật cho đến nay vẫn trong nhóm nhà đầu tư đổ nhiều tiền nhất vào trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ. Hiện nay, những lời phàn nàn của nước Mỹ không nhắc đến việc Trung Quốc tiết kiệm quá mức. Mỹ chủ yếu kêu ca về việc Trung Quốc giữ tỷ giá đồng tiền ở mức quá thấp. Một số cuốn sách gần đây nói nhiều đến việc Mỹ quá phụ thuộc vào tiền tiết kiệm của người Trung Quốc để thỏa mãn cho “cơn nghiện” tiêu dùng và vay thế chấp của mình.

 Chẳng ai có thể biết chắc chắn người Trung Quốc tiết kiệm bao nhiêu tiền. Số liệu tính toán dựa trên thu nhập cá nhân không hoàn chỉnh và cũng không tuân theo chuẩn quốc tế. Các chuyên gia tính toán tỷ lệ tiết kiệm tại các hộ gia đình Trung Quốc năm 2007 ở mức gần 26%. Tỷ lệ này cực kỳ cao dù cũng tương đương với Nhật, Hàn Quốc nhiều thập kỷ trước.

 Cho đến nay những lời giải thích tại sao người Trung Quốc tiết kiệm cho đến nay không khiến người ta cảm thấy thỏa đáng. Phần lớn người ta nhắc đến yếu tố văn hóa, giống như chúng ta đã chứng kiến tại châu Á.

 Thông thường, giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng tính tiết kiệm của Trung Quốc bắt nguồn từ sự kế thừa giá trị của Đạo Khổng. So với những người Mỹ đã vốn quen chi tiêu phóng khoáng, tờ China Daily đã khẳng định trong một bài viết rằng người Trung Quốc đã có truyền thống tiết kiệm từ thời cổ đại.

 Ông Chu Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, gần đây cũng bảo vệ cho thói quen tiết kiệm của người dân nước này rằng thói quen đó đến từ Đạo Khổng, vốn đánh giá cao thói quen tiết kiệm, kỷ luật và tránh hoang phí.

 Lời giải thích về văn hóa có phần không hợp lý khi nói đến sự thật sau: Cách đây không lâu, người Trung Quốc vốn tiết kiệm rất ít. Trong khoảng thời gian từ năm 1952 đến năm 1978, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình không vượt quá 2% đến 3%, thông thường chưa đầy 1%. Và trên thực tế khi người Trung Quốc tiết kiệm nhiều hơn từ thời điểm đó đến nay, chắc chắn nhiều yếu tố khác đóng vai trò lớn hơn tác động từ Đạo Khổng.

 Giới chuyên gia kinh tế và nhà báo Mỹ thường thích lý giải rằng người Trung Quốc tiết kiệm nhiều bởi các chương trình phúc lợi xã hội tại nước này kém. Quan điểm này luôn được nhắc đi nhắc lại và chẳng có nhiều bằng chứng. Không những đưa ra phân tích, các nhà hoạch định chính sách Mỹ còn đưa ra khuyến nghị về chính sách. Nói theo lời của chuyên gia kinh tế Stephen Roach, Trung Quốc cần xây dựng một hệ thống phúc lợi xã hội đủ mạnh để giảm bớt tâm lý tiết kiệm thận trọng hiện đang cản trở sự phát triển của văn hóa tiêu dùng.

 Tâm lý lo lắng về tương lai có thể khiến người ta tiết kiệm thế nhưng còn nhiều yếu tố khác nữa. Mối tương quan giữa tiết kiệm cao và chế độ an sinh xã hội còn rất kém trên khắp thế giới. Chính phủ nhiều nước nghèo không mang lại hệ thống phúc lợi xã hội tốt nhưng tỷ lệ tiết kiệm tại nước đó vẫn không cao. Trong nhóm nước phát triển, tỷ lệ tiết kiệm tại khá nhiều nước khá cao dù chính phủ cung cấp chế độ phúc lợi tốt. Chỉ tại Mỹ tỷ lệ tiết kiệm giảm trong nhiều thập kỷ gần đây.

 Vẫn còn nhiều lời giải thích khác hợp lý hơn. Tại Trung Quốc, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế. Chúng ta đã chứng kiến mô hình này tại nhiều nền kinh tế thành công khác ở châu Á cũng như Tây Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao, GDP tăng trưởng trên 10%/năm từ năm 1980 đến nay. Và tỷ lệ tiết kiệm cao, tiêu dùng tăng trưởng thấp hơn so với thu nhập.

 Thứ hai, người Trung Quốc tiết kiệm bởi họ không tiếp cận được với tín dụng. Tiết kiệm thường tăng ngược với vay nợ. Điều này trái ngược hoàn toàn với Mỹ nhưng cũng chẳng khác mấy so với nhiều nước châu Á và châu Âu nơi tín dụng tiêu dùng và bất động sản chịu điều tiết chặt chẽ. Khi kinh tế tăng trưởng nhanh, người Trung Quốc muốn mua ô tô và nhiều hàng hóa tiêu dùng bền nhưng không vay được tiền, họ phải tiết kiệm mới có tiền để tiêu dùng.

bình luận 0 Lượt xem 2481
Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2411554
Đang truy cập: 5
This page was created in 0.04091 seconds.