Liên kết

Chính sách phải hài hòa mục tiêu ngắn và dài hạn
Theo: Thời báo ngân hàng - Cập nhật lúc: 10:55:48 - 31/05/2013


TS. Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội

Mặc dù lãi suất đã giảm mạnh, nhưng mới đây Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lại tiếp tục kiến nghị giảm thêm lãi suất?

Lãi suất là giá cả của tiền tệ, phản ánh cung cầu tiền tệ. Hiện nay nguồn vốn huy động của ngân hàng vẫn tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng đang rất thấp. Lãi suất hiện đang ưu tiên cho người gửi tiền nhiều hơn là người đi vay. Trong khi điều hành chính sách lãi suất phải đảm bảo hài hòa các mục tiêu, lợi ích giữa người gửi tiền và người đi vay. Xét ở góc độ đó, chúng ta vẫn còn cơ sở để giảm lãi suất.


Lãi suất hiện đang ưu tiên cho người gửi tiền nhiều hơn là người đi vay


Thực tế lãi suất cho vay đã giảm nhiều, nhưng sức hấp thụ vốn của DN rất yếu. Nếu lãi suất giảm tiếp liệu có mang lại hiệu quả, thưa ông?

Tôi đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của các TCTD trong việc giảm lãi suất cho vay thời gian qua. Đối với các ngân hàng, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra rất quan trọng, vì nó liên quan tới lợi nhuận của ngân hàng. Tôi thấy mức chênh lệch này của các TCTD đã giảm liên tục trong năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013.

Song cũng phải thấy lãi suất, chính sách tín dụng chỉ là một phần trong cả hệ thống các chính sách để chúng ta đẩy tín dụng ra. Vì vậy, cần đồng bộ các giải pháp, kể cả chính sách tài khóa, để khơi thông sản xuất, tăng sức tiêu thụ hàng hóa, làm ấm thị trường, tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Như vậy có thể nói dư địa của CSTT không còn nhiều, nên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần phải nới trần nợ công, tăng đầu tư từ khu vực Nhà nước?

Tôi đồng tình với quan điểm năm nay chúng ta bố trí thêm nguồn vốn để tăng chi đầu tư công, sẽ làm tăng bội chi ngân sách. Có thể xem xét bố trí tăng thêm nguồn đầu tư qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Tất nhiên để tăng chi đầu tư công cũng phải tính toán hài hòa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; nhất là trong điều kiện hiện nay chúng ta cần “sưởi ấm” nền kinh tế để tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu tăng GDP 5,5%.

Đặc biệt, chúng ta cũng phải tính toán xem mức độ tăng chi đầu tư công, liều lượng như thế nào cho hợp lý để không làm cho nợ công lên quá cao, ảnh hưởng tới lâu dài. Song song với tăng chi đầu tư công thì chúng ta phải cải thiện hiệu quả đầu tư. Đây là vấn đề mang tính chất cơ cấu của nền kinh tế. Đương nhiên cũng phải hài hòa mục tiêu trong ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Việc cải thiện năng suất và hiệu quả đầu tư cần có thời gian và thực tế chúng ta cũng đang tiến hành chương trình tái cơ cấu.

TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng dư địa của CSTT không còn nhiều và đề xuất tăng bội chi ngân sách, ông có đồng tình với đề xuất này?

Về cơ bản tôi nhất trí với đề xuất của TS. Trần Du Lịch. Nhưng tôi có suy nghĩ thêm về việc tăng bội chi ngân sách. Tôi tán thành việc tăng đầu tư công, đương nhiên cũng có nghĩa tăng nợ công. Chỉ có điều về cách thức tăng bội chi ngân sách hay tăng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ như tôi nói là sự khác biệt thôi. Cơ bản là chúng ta phải xây dựng một chương trình có tính chất trung hạn. Điều này cần thiết vì chính sách của chúng ta phải hài hòa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.


Đầu tư có chọn lọc đưa vốn vào các dự án có hiệu ứng lan toả cao thì sẽ đạt hiệu quả


Theo ông tính liều lượng chính sách để kích thích nền kinh tế nên như thế nào cho hợp lý?

Về liều lượng tăng chi đầu tư công cần phải được nghiên cứu, tính toán cụ thể. Bổ sung thêm vài chục nghìn tỷ đồng, hay bao nhiêu nghìn tỷ đồng cho phù hợp. Nhưng theo như dự toán của chúng ta bố trí chi đầu tư phát triển bằng vốn ngân sách thấp hơn so với con số thực hiện của năm trước, nên bổ sung thêm vài chục ngàn tỷ đồng vào nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là hợp lý và cần thiết. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta sẽ đầu tư vào đâu. Theo tôi, nên đầu tư vào dự án sắp hoàn thành để tạo hiệu ứng cao. Khi đầu tư có chọn lọc, đưa vốn vào các dự án có hiệu ứng lan tỏa cao thì sẽ đạt hiệu quả.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải chú trọng tới nguồn ODA. Vốn ODA năm qua rất tích cực, nhưng giải ngân vốn ODA có phần nào chậm hơn so với nhu cầu thực tế của nguồn vốn bên ngoài. Cho nên nếu chúng ta bố trí thêm nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA thì sẽ đẩy nhanh tính hiệu quả của nguồn vốn này, góp phần tăng hiệu quả của tổng vốn đầu tư xã hội tốt hơn.

Trong bối cảnh hiện nay nên ưu tiên tăng trưởng hay mục tiêu kiềm chế lạm phát, thưa ông?

Chúng ta vẫn phải bám sát và đảm bảo mục tiêu mang tính chất nền tảng là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nhưng căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay tôi cho rằng, chính sách điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành có thể tăng thêm liều lượng để hỗ trợ cho DN, thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế đúng mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%. Chính phủ đặt mục tiêu giữ lạm phát từ 6 - 6,5%, còn theo Quốc hội là dưới 8%, thiết nghĩ khả năng thực hiện không quá khó khăn.

Liệu việc thay đổi như trên có gây khó khăn khi việc triển khai các Nghị quyết của Chính phủ  đã vào guồng?

Các mục tiêu chúng ta đề ra từ đầu năm không nhất thiết phải thay đổi, điều chỉnh. Và định hướng chính sách của chúng ta về cơ bản không có gì khác biệt giữa Chính phủ và Quốc hội cả. Những gì Chính phủ thực hiện cũng đang theo hướng đó. Ở đây phải hiểu rằng chỉ điều chỉnh về liều lượng, mức độ, cùng thời gian thực hiện của chính sách cho hài hòa hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

bình luận 0 Lượt xem 2067
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2012 (02/06/2014)
Những điểm sáng trong mô hình kinh tế hợp tác xã (03/10/2013)
Năm 2012, ngân hàng Việt có thể chỉ còn 2/3 (03/10/2013)
Những nội dung cơ bản của Nghị định 53 và cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC (29/05/2013)
Vốn ngân hàng dần được "mở van" (28/05/2013)
ASEAN đàm phán về Biển Đông với tư cách một khối (24/05/2013)
Chỉ giảm lãi suất thì vẫn không “kích” được cầu (21/05/2013)
Rủi ro tín dụng vẫn là mối lo hàng đầu (17/05/2013)
Làn sóng giảm lãi suất lan đến ngân hàng cổ phần (10/05/2013)
5.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (09/05/2013)

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2422548
Đang truy cập: 4
This page was created in 0.04416 seconds.