Liên kết

Ngân hàng Nhà nước không độc quyền kinh doanh vàng
Theo: Thời báo ngân hàng - Cập nhật lúc: 13:44:15 - 25/06/2013


Nhiều ý kiến cho rằng đấu thầu vàng là một hình thức để Ngân hàng Nhà nước kinh doanh. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Đấu thầu vàng được tổ chức trước mắt là nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng thương mại phải tất toán vàng. Đó là nhu cầu thực. Còn về kỹ thuật và cách chơi, Ngân hàng Nhà nước không thể kéo ngay lập tức giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Sự bình ổn phải dần dần và Ngân hàng Nhà nước còn phải đảm bảo dự trữ ngoại hối.

Vàng sẽ mất dần vị thế là phương tiện thanh toán


Còn ngân hàng thương mại, trong bối cảnh mà giá vàng thế giới đang giảm nhanh thì họ biết câu chuyện tất toán đấy và việc tổ chức đấu thầu thường xuyên của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến họ phải chọn thời điểm để mua vào sao cho phù hợp.

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu can thiệp thị trường vàng, các chuyên gia và dư luận đã lên tiếng về sự độc quyền. Ông có đánh giá gì về nhận định này?

Đối với vấn đề này, tôi muốn đề cập đến 2 việc.

Thứ nhất, quyền sở hữu vàng của người dân được đảm bảo. Thời điểm mua, bán lúc nào là của người dân. Quyền giữ lại, cho đi cũng là của người dân, Nhà nước hoàn toàn bảo hộ quyền đấy. Cho nên khi người dân mua bán tại một thời điểm rồi thua lỗ mà đổ hoàn toàn tại Nhà nước thì chưa hẳn đúng, chỉ đúng 30% thôi. Ngân hàng Nhà nước không thể "bắt" người dân phải mua bán, chỉ buộc các ngân hàng thương mại phải tất toán theo chính sách thôi.

Thứ hai, tôi muốn đính chính lại vì rất nhiều người nghĩ còn chưa đúng là Ngân hàng Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng. Nghị định 24 không nói như vậy. Nhà nước vẫn cho kinh doanh vàng, chỉ khác là điều kiện chặt chẽ hơn trước khi có Nghị định 24. Trước đây chúng ta có hàng chục nghìn điểm kinh doanh vàng, bây giờ là khoảng 2.000 điểm kinh doanh vàng. Phải có một số điều kiện và những điều kiện đó có thể thay đổi.

Nhưng nói Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng là chưa đúng. Nhà nước không độc quyền kinh doanh. Nếu độc quyền thì người dân chỉ có thể mua bán với Nhà nước, hoặc Nhà nước ủy quyền cho một đơn vị nào đó.

Nhà nước chỉ độc quyền 2 cái. Thứ nhất là độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Thứ hai là độc quyền thương hiệu vàng.

Ý đồ ở đây là vàng miếng là vàng tiền, hoặc rất gần tiền; có thể sử dụng gần như tiền. Còn vàng nữ trang là vàng khá xa tiền. Khái niệm ở đây chỉ là tương đối, không phải thật tách biệt, nên một số hội thảo vẫn tranh cãi quy định thế nào là vàng miếng, ông thấy sao?

Về ý tưởng, tuy không tách biệt rõ, nhưng vàng nữ trang cho tự do kinh doanh, Nhà nước chỉ kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng. Còn vàng miếng là rất gần tiền; và vì vậy, chỉ Nhà nước mới sản xuất, cho nên mới đặt vấn đề Ngân hàng Nhà nước độc quyền gắn sản xuất với thương hiệu vàng nói trên. "Tiền" này được lưu thông, có điều kiện thì kinh doanh.

Còn việc Nhà nước mua và bán vàng theo đấu thầu cũng giống như Ngân hàng Trung ương với tư cách là "người cho vay cuối cùng". Ngân hàng Nhà nước can thiệp thị trường là ở chỗ đấy. Còn thị trường mua bán "thoải mái". Khi thấy xáo động thì Ngân hàng Nhà nước có thể bán ra, mua vào theo con mắt đánh giá của mình. So sánh có thể khập khễnh, song cũng như cung tiền đồng, nhiều quá thì thu về, ít quá thì Ngân hàng Nhà nước bơm ra.

Nhưng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là muốn làm gì? Về lâu dài là giảm mức độ "vàng hoá" trong nền kinh tế; Để dần dần người dân không coi vàng là tiền nữa, chỉ coi như một tài sản tích trữ, lúc cần thì bán lấy tiền, như một loại hàng hoá, tài sản chứ không phải là tiền. Để vàng tiền trong tương lai chỉ còn là một phần của dự trữ ngoại hối của quốc gia, như tại nhiều nước khác. Ý đồ lâu dài của chúng ta là như vậy.

Đấy là ý đồ trong tương lai, còn với thực tế đang diễn ra, ông có đánh giá gì về vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý thị trường vàng?

Mục tiêu có nhiều; trước hết liên quan đến việc bảo toàn dự trữ ngoại hối. Ví dụ, hôm nay Ngân hàng Nhà nước có 30 tỷ USD nhưng ngày mai lại tụt giảm nhiều thì có thể có vấn đề. Lưu ý là khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng (như qua đấu thầu) thì sẽ thu lại tiền đồng. Tiền đồng không nằm trong dự trữ ngoại hối.

Về mặt kỹ thuật, nếu Ngân hàng Nhà nước muốn giữ nguyên dự trữ ngoại hối thì phải can thiệp thị trường ngoại hối để mua một lượng ngoại tệ bù vào. Đây là mặt khác của câu chuyện lãi, lỗ thuần túy.

Vấn đề thứ hai gắn với vàng là tỷ giá ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế. Vì gắn với vàng là câu chuyện xuất, nhập vàng, dù là vàng nguyên liệu, và đi cùng là dòng ngoại tệ và quan hệ với tỷ giá.

Hơn nữa, khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng là rút nội tệ về, còn mua vàng là ném đồng nội tệ ra. Điều này lại liên quan đến cung tiền (nội tệ) và câu chuyện kiểm soát cung tiền, một biến số có thể tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi cung tiền có biến động đáng kể. Và Ngân hàng Nhà nước lại phải sử dụng những công cụ tiền tệ để bơm hút đồng nội tệ để đảm bảo cung tiền ấy gắn với mục tiêu kinh tế vĩ mô mình đặt ra, chẳng hạn về lạm phát…

Thế nên câu chuyện này không đơn giản. Đó không chỉ đơn thuần là về vàng và thị trường vàng. Nó còn gắn với thị trường ngoại hối, cán cân thanh toán quốc tế, tỷ giá và kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước.

Đừng chờ đợi một chính sách mà tất cả đều có lợi.

Theo phân tích của ông, Ngân hàng Nhà nước không độc quyền kinh doanh vàng mà chỉ độc quyền xuất nhập khẩu vàng và thương hiệu vàng. Vậy sự độc quyền này, theo ông, liệu có vì lợi ích của một nhóm người nào đó?

Trong một xã hội đa chiều như hiện nay, đừng vội phản đối lại một suy luận có tính logic nào đó, và cái đó càng cho thấy vai trò minh bạch hoá thông tin và nâng cao khả năng giải trình của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước.

Lợi ích nhóm là một thực tế, dễ có ở đâu đó. Và người ta thường gắn lợi ích nhóm với những dòng tiền lớn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên hiểu rằng không có một chính sách nào là hoàn hảo. Cái chính là cái tâm của người làm chính sách, ý đồ và lợi ích chung cho đất nước này.

Còn nếu đi xé nhỏ ra thì có thể có nhóm được lợi nhiều, có người được lợi ít, thậm chí là có người lợi, có người bị thiệt hại. Cho nên suy luận logic và sự đòi hỏi về minh bạch, khả năng giải trình đều là cái chúng ta cần. Điều quan trọng là từ cái minh bạch, giải trình ấy, suy luận logic có chiều hướng sát với thực tế hơn, đúng với bằng chứng, xác thực hơn. Từ đó còn đi đến một điều rất quan trọng là tính quyết đoán, dám làm dám chịu của những người hoạch định chính sách.

Khi trả lời trước báo chí, hay mới đây là giải trình trước Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định rằng: mục tiêu là bình ổn thị trường vàng chứ không phải bình ổn giá. Là một chuyên gia kinh tế, ông có nhận xét gì về tuyên bố này của Ngân hàng Nhà nước?

Theo tôi, có thể Ngân hàng Nhà nước nói với hai hàm ý đằng sau. Ổn định thị trường ở đây có nghĩa là không có cú sốc mua hay bán. Không phải bỗng dưng có một ngày có đến 3 vạn người kéo đến cửa hàng để mua vàng, rồi hôm sau chẳng có ai đến mua. Ổn định ở đây cũng có thể hiểu là giá vàng trong nước biến động không lớn, không quan tâm đến chênh lệch với giá vàng thế giới.

Nhưng nếu hiểu theo cả 2 nghĩa đấy thì đều chưa đầy đủ. Lý do thứ nhất: nếu chúng ta chỉ muốn ổn định thị trường trong nước giống như việc nhập một chai rượu, đặt thuế quan là 30%, thì chai rượu nhập khẩu ấy bán ở trong nước luôn luôn đắt hơn chai rượu ở nước ngoài 30%, tạm chưa tính những chi phí khác.

Vậy nếu không thay đổi thuế quan thì giá này rất ổn định, và cấu trúc thị trường Việt Nam giả sử không thay đổi, cứ vậy thôi. Rất ổn định. Nhưng nó sẽ dẫn đến hệ lụy gì? Buôn lậu. Nên nếu nói ổn định thị trường vàng mà chỉ ổn định giá trong nước thì chưa đủ. Chênh lệch cao chắc chắn sẽ dẫn đến buôn lậu, không bằng cách này thì cách khác, nhất là khi Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng.

Vậy ổn định ở đây phải đạt được 2 điều. Thứ nhất là giá vàng trong nước phải gần sát với giá vàng thế giới để hạn chế buôn lậu, một loại đầu cơ.

Thứ hai, phải hạn chế đầu cơ thì cũng cần phải làm 2 điều nữa. Nhưng một trong 2 điều đó chúng ta không bao giờ làm được, vì giá vàng thế giới là do thế giới điều khiển nên ta bắt buộc phải theo. Còn cái tiếp theo là khoảng cách sát ấy không biến động lớn. Ví dụ chia trung bình cả tháng, chênh lệch chỉ từ 1 - 1,5 triệu. Nhưng nếu có ngày chênh lệch 3 triệu, có ngày chênh lệch 0 đồng thì rất dễ khuyến khích đầu cơ.

Nếu nhìn vào tất cả thì sẽ có 3 câu hỏi.

Câu hỏi thứ nhất: đặt ra nhiều mục tiêu, gắn với nhiều cái phức tạp như thế thì liệu Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ để làm không? Câu trả lời là đủ.

Thứ hai: Ngân hàng Nhà nước có đủ năng lực và độ nhạy bén để làm không? Đây thực sự vẫn là một câu hỏi. Theo tôi hiểu, Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra chính sách đóng trạng thái tất toán của các ngân hàng trước ngày 30/6. Đây cũng có thể chỉ là thí điểm và Ngân hàng Nhà nước còn rất thận trọng.

Câu hỏi thứ ba: có mâu thuẫn gì về chính sách không? Câu hỏi rất khó. Một mặt chúng ta muốn giảm vàng hoá (về dài hạn), song mặt khác chúng ta lại (buộc) đang thừa nhận SJC là tiền vàng. Về bản chất, chúng ta mong muốn không còn vàng tiền, chỉ còn vàng trong dự trữ ngoại hối, nhưng trước mặt chúng ta lại thừa nhận SJC chính là vàng miếng, vàng tiền.

Cho nên cái quá độ này còn kéo dài bao lâu thì còn phụ thuộc vào rất nhiều chính sách nữa như ổn định vĩ mô, lấy lại vững chắc lòng tin vào tiền đồng, các giải pháp ứng xử với thị trường vàng, liên quan đến huy động vàng, thành lập sàn vàng quốc gia, cách thức liên thông với thị trường quốc tế...

Ngân hàng Nhà nước và nhiều chuyên gia cũng từng cho rằng, sau khi hoàn thành tất toán vàng (ngày 30/6), giá vàng sẽ giảm và chênh lệch giá so với thế giới cũng sẽ giảm. Theo ông, liệu Ngân hàng Nhà nước có được mục tiêu đó hay không?

Có nhiều biểu hiện cho thấy là khoảng cách sẽ giảm dần nhưng chưa thể nhanh được. Bên cạnh đó rủi ro vẫn còn. Đó chính là độ nhạy bén, kỹ thuật chơi vì vàng là một trong những loại hàng hoá có biến động lớn nhất trong thế giới trong tất cả các loại hàng hoá cơ bản.

Tôi nói có nhiều biểu hiện cho thấy là vì: thứ nhất, cầu vàng để tất toán của các ngân hàng cơ bản đã xong. Thứ hai là việc "làm giá" trên thị trường vàng giảm. Cái này đã được chính một số người tham gia thị trường vàng đề cập rồi. Giá vàng trong nước bị chi phối không nhỏ bởi các đại gia; mà các đại gia bây giờ cũng đã thấm thía bài học đầu cơ rồi. Công tác giám sát cũng chặt chẽ hơn.

Thứ ba, độ hấp dẫn của vàng thế giới năm nay không cao. Và theo tôi 25-30 năm nữa độ hấp dẫn của vàng sẽ giảm đi trông thấy.

PV: Ngay khi NHNN bắt đầu can thiệp thị trường vàng, một số chuyên gia và dư luận đã lên tiếng về sự độc quyền của NHNN. Ông có đánh giá gì về nhận định này?

TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Người dân phản ứng là bởi vì họ không hiểu về bản chất của vàng là cái gì, và bản chất vàng ở Việt Nam là cái gì. Với bản chất của vàng, nó như là sản phẩm của đầu tư, như là loại tiền tệ đặc biệt, thế giới họ cũng công nhận như thế. Mặc dù không theo kim bản vị, quy đổi trực tiếp từ tiền ra vàng nữa nhưng vàng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế, đặc biệt là với tài chính.

Còn vàng tại Việt Nam, trong một giai đoạn rất dài, vàng vừa là phương tiện cất trữ, dự trữ, vừa là phương tiện thanh toán, thước đo giá trị. Tức là nó có đầy đủ chức năng của một đồng tiền, nhưng cho đến nay, vàng chỉ dừng lại ở chức năng là phương tiện cất trữ thôi.

Việc NHNN đi theo Nghị định 24 cũng có nghĩa NHNN sẽ là người bán đầu tiên, tức là dập ra vàng SJC sau đó bán đầu tiên, qua đó xác định giá. Sau đó, NHNN cũng là người mua cuối cùng, để mà cân đối trên thị trường vàng và giá mua như thế nào cũng là do NHNN quyết định.

Cái thứ ba là tới đây, NHNN cũng là đơn vị tổ chức khai thác, huy động các nguồn lực từ vàng để phục vụ cho lợi ích kinh tế. Do đó đây là việc hoàn toàn bình thường và nó nằm trong chiến lược chung là chống vàng hóa nền kinh tế, nằm trong chức năng quản lý nền kinh tế khi mà NHNN đóng vai trò là đơn vị quản lý tiền tệ, để kiềm chế và chống lạm phát.

Vì đặc điểm của vàng tại Việt Nam, thứ nhất là lượng vàng so với quy mô nền kinh tế là rất lớn. Thứ hai là nhu cầu vàng, tập quán cất trữ vàng, sử dụng vàng ở Việt Nam là rất đặc biệt nên chúng ta không thể đem so với Mỹ hay Thụy Sỹ được. Ngay cả với Trung Quốc chúng ta cũng không thể so sánh được, vì đặc điểm nền kinh tế, đặc điểm tâm lý của mỗi xã hội là rất khác nhau. Nên việc NHNN thực hiện các nội dung của Nghị định 24 theo tôi là hợp lý, phù hợp với đặc điểm của Việt Nam, không có vấn đề gì.

PV: Tại sao không thực hiện nguyện vọng đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, thưa ông?

TS. Vũ Đình Ánh: Thứ nhất đó không phải là mục tiêu. Chuyện ngày trước Thống đốc nói về khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mốc 400.000 đồng là vừa phải là trước Nghị định 24. Như tôi đã nói, không nên bàn cãi vấn đề trước Nghị định 24 và sau Nghị định 24 nữa, vì nó khác nhau.

Ngày xưa là gì? NHNN cấp quota, doanh nghiệp thích nhập thì nhập, không thích nhập thì chịu thôi và phải đi bố trí nguồn đô la cho doanh nghiệp. Thế thì nó sẽ đẻ ra cái gì? Nó sẽ đẻ ra cái chênh lệch quá lớn thì sẽ vào túi doanh nghiệp, nên tại sao phải giữ ở mức 400.000 đồng? là để cho doanh nghiệp đừng có ăn dày quá.

Còn bây giờ, NHNN nhập, NHNN bán. Bán đắt thì NHNN đút túi. Mà túi ở đây chính là ngân sách Nhà nước, thế thì có vấn đề gì đâu? Thế nên mục tiêu hiện nay không phải là thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới, bởi vì mục tiêu đó là trước Nghị định 24, còn sau Nghị định 24 thì không còn mục tiêu đấy nữa, không cần thiết.

Tuy nhiên, vàng Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu của thế giới, chứ không tự sản xuất được bao nhiêu, lại cùng với xu thế hội nhập với thế giới, nên đến khi thị trường vàng vận hành một cách bình thường thì chuyện thu hẹp giá sẽ là điều tự nhiên. Nó sẽ như một động lực kinh tế để giúp ngăn chặn việc nhập lậu. Bởi vì thực ra nhập lậu là luôn luôn có, nhưng chúng ta nên hủy động cơ nhập lậu. Khi chênh lệch quá lớn thì việc chống nhập lậu sẽ rất kinh khủng, rất khó, vì nó là một động lực rất lớn khiến người ta cố gắng nhập lậu cho nhiều hơn. Thì mục tiêu để kéo khoảng cách chênh lệch giá vàng là như thế thôi, chứ không cần đặt ra vấn đề là phải thu hẹp.

Bên cạnh đó, giá thì cao như thế, chênh lệch giá vàng 5 – 6 – 7 triệu nhưng vẫn có người mua cơ mà. Đấy là thị trường. Thị trường là gì? có người mua và có người bán. Thế thôi.
bình luận 0 Lượt xem 2225
Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2411456
Đang truy cập: 2
This page was created in 0.04271 seconds.