Liên kết

Ủy ban Kinh tế lo hệ lụy độc quyền vàng
Theo: Theo Vnexpress - Cập nhật lúc: 02:41:29 - 24/09/2013


vang6-aq-9467-1379900419.jpg Ủy ban Kinh tế cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn quá lớn. Ảnh: Anh Quân.

 Bản tin Kinh tế Vĩ mô số 9 được công bố hôm nay, trước thềm Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì vào cuối tuần, trong đó đưa ra những góc nhìn mới về tình hình kinh tế trong nước và thế giới 6 tháng đầu năm, nhận định tình hình cuối năm và một số khuyến nghị. Riêng phần nhận định chính sách tiền tệ, mà đặc biệt là điều tiết thị trường vàng - ngoại hối, được dành hơn 3 trang trong cả bản tin 36 trang phủ khắp các vấn đề kinh tế, tài chính trong, ngoài nước.

Lý do của sự quan tâm đặc biệt này có thể bắt nguồn từ Nghị quyết Quốc hội thông qua ở kỳ họp cuối năm ngoái, trong đó quản lý thị trường vàng là một nhiệm vụ riêng biệt giao cho Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Quốc hội yêu cầu khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá trong nước sát với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân.

Theo các tác giả Bản tin Kinh tế Vĩ mô, cách can thiệp điều tiết thị trường vàng trong thời gian vừa qua gây chú ý của dư luận, với những câu hỏi đặt ra cho kết quả thực hiện Nghị định 24, bóc tách vốn vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng, cũng như việc tiếp tục thực hiện đấu thầu sau thời hạn tất toán.

"Quản lý thị trường vàng chưa đạt được mục tiêu quan trọng do Quốc hội đặt ra là giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục cung cấp khối lượng vàng quy mô lớn thông qua các phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng vẫn duy trì ở mức đáng kể", bản tin viết.

Từ 28/3 đến 19/9, tròn 60 phiên đấu thầu đã được tổ chức với tổng cộng 59,1 tấn bán ra thị trường. Một báo cáo mới công bố của Ngân hàng Nhà nước cho hay 30 tấn trong số này đã được các ngân hàng mua để trả lại cho dân, tất toán hợp đồng huy động trước đây. Hạn chót buộc ngân hàng tất toán theo quy định là 30/6, nhưng đã phải du di vài ngày cho tới tuần đầu tháng 7 mới thực sự xong xuôi. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trước thời hạn này luôn duy trì ở mức cao, có thời điểm lên đến 6,6 triệu đồng một lượng (ngày 8/7). Sau ngày này, khoảng cách đã được thu hẹp lại, có lúc đã xuống sát 2 triệu đồng nhưng những ngày gần đây lại dao động quanh 3-4 triệu.

Chênh lệch giá kéo dài cho đến thời hạn 30/6 có thể hiểu là do nhu cầu rất lớn để các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái. Nhưng sau thời điểm 30/6, chênh lệch vẫn ở mức đáng kể trong khi vàng tiếp tục được cung ứng với số lượng lớn gây ra một số quan ngại liên quan tính hiệu quả của việc quản lý thị trường vàng, các tác giả nêu quan điểm trong bản tin mới công bố của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Theo các tác giả, chênh lệch đáng kể này có thể kích hoạt các hoạt động nhập lậu do giới đầu cơ có thể chuyển hóa vàng lậu sang nữ trang trong bối cảnh nhu cầu còn lớn. Mặt khác, kinh tế còn bất ổn nên vàng vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn để doanh nghiệp hay người dân bảo toàn vốn và cất trữ giá trị. Với nhu cầu vàng trên thị trường còn lớn như hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu và cung ứng vàng cho thị trường gây ra mối quan ngại về việc dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng (do phải sử dụng để nhập khẩu vàng) cùng các hệ lụy.

Hai chức năng quản lý, giám sát thị trường và trực tiếp kinh doanh vàng chưa được tách bạch rõ ràng cũng là vấn đề gây quan ngại. Trong khi đó, điều tiết thông qua những áp chế hành chính có thể đạt được một số mục tiêu nhất định trong ngắn hạn, song có thể gây hệ lụy trong trung và dài hạn, nếu chính sách độc quyền còn kéo dài, các nguyên tắc của kinh tế thị trường chưa được tuân thủ đầy đủ, dẫn đến các rủi ro sẽ bị “dồn nén” và tích lũy lại có thể sẽ bùng phát khi vượt qua một ngưỡng nhất định.

Bởi vậy, hiệu quả của các chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay cần được tiếp tục nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng hơn để có thể có những điều chỉnh chính sách nếu cần thiết nhằm hướng tới một thị trường vàng hiện đại và hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, các tác giả nhấn mạnh.

Bản tin Kinh tế Vĩ mô là một phần quan trọng trong Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Mục tiêu của Dự án là nâng cao năng lực các cơ quan tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô thông qua các hoạt động: (i) tập huấn/đào tạo nâng cao năng lực; (ii) thực hiện nghiên cứu, đối thoại chính sách về những vấn đề kinh tế vĩ mô; (iii) tăng cường và thể chế hóa cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan thụ hưởng dự án, bao gồm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Bản tin được công bố ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế mùa thu do cơ quan này tổ chức, sắp diễn ra vào ngày 25, 26/9 ở  Huế.

bình luận 0 Lượt xem 2093
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2012 (02/06/2014)
Những điểm sáng trong mô hình kinh tế hợp tác xã (03/10/2013)
Năm 2012, ngân hàng Việt có thể chỉ còn 2/3 (03/10/2013)
Ngân hàng giảm giá bán đôla (23/09/2013)
VAMC mua nợ xấu đợt đầu của Agribank, SHB, SCB, Navibank (23/09/2013)
Ủy thác đầu tư, coi chừng mất vốn (16/09/2013)
Hàng loạt vụ lừa đảo rúng động, thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng (16/09/2013)
Nhích phí ATM, ngân hàng thu hàng chục tỷ đồng từ túi khách (16/09/2013)
Vietcombank, Vietinbank, OCB được mở thêm phòng giao dịch (14/09/2013)
Tên Western Bank và PVFC sắp biến mất (14/09/2013)

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2422416
Đang truy cập: 11
This page was created in 0.03164 seconds.