Liên kết

Trần lãi suất tiền gửi: nên giảm hay bỏ?
Theo: - Cập nhật lúc: 14:36:24 - 06/02/2012

Khi tiết kiệm dài hạn không được khuyến khích thì chắc chắn nguồn vốn dành cho tăng trưởng dài hạn sẽ bị ảnh hưởng. Cần khuyến khích nền kinh tế gia tăng tiết kiệm dài hạn thông qua mức lãi suất thực dương có so sánh và cạnh tranh chứ không phải lãi suất danh nghĩa cao.

Cần khuyến khích nền kinh tế gia tăng tiết kiệm dài hạn thông qua mức lãi suất thực dương có so sánh và cạnh tranh chứ không phải lãi suất danh nghĩa cao (ảnh minh hoạ). Ảnh: Lê Quang Nhật



Theo logic thông thường, khi lãi suất tiền gửi giảm thì lãi suất cho vay cũng giảm theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì điều này chưa hẳn đã đúng.
 
Trước khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng trần lãi suất tiền gửi 14%/năm vào đầu tháng 3.2011, lãi suất huy động được các ngân hàng cạnh tranh đẩy lên trên dưới 17%/năm và lãi suất cho vay cũng dao động mạnh khoảng 19 – 23%/năm tuỳ theo tính chất khoản vay. Từ khi trần lãi suất tiền gửi được áp dụng đến nay, lãi suất cho vay vẫn không thấy có dấu hiệu suy giảm một cách rõ ràng. Ngay cả lãi suất trần 14%/năm hiện nay cũng không hẳn có hiệu lực, mặc dù có vẻ như mọi thứ đang được tuân thủ tốt. Thay vào đó, trạng thái thanh khoản của hệ thống ngân hàng bị sụt giảm một cách nghiêm trọng, đặc biệt đối với những ngân hàng quy mô nhỏ và có năng lực quản trị yếu kém.

Bài toán đặt ra trong bối cảnh này là trần lãi suất tiền gửi có nên tiếp tục giảm xuống 12%/năm như một số tin đồn gần đây hay nên bỏ trần lãi suất để thị trường tự quyết định việc phân bổ nguồn lực?

Khi lãi suất tiền gửi giảm 2 điểm phần trăm thì điều mà Chính phủ kỳ vọng là lãi suất cho vay cũng giảm tương ứng. Tuy nhiên, cần phải nhận thức được rằng chênh lệch lãi suất cho vay và huy động (NIS) không phải bao giờ cũng là một hằng số tại mọi thời điểm và trong mọi hoàn cảnh. NIS luôn phản ánh các lợi ích, chi phí và rủi ro kỳ vọng của ngân hàng gắn với các điều kiện vĩ mô nhất định như tăng trưởng, lạm phát, cấu trúc của thị trường tài chính và môi trường cạnh tranh.

 
Khi thị trường chứng khoán chưa phát triển, lại đang bị suy giảm sâu, thì kênh huy động và phân bổ vốn chủ yếu trong nền kinh tế vẫn là hệ thống ngân hàng. NIS của hệ thống ngân hàng cao và có xu hướng dãn ra trong vài năm gần đây đã phản ánh tương đối phù hợp những rủi ro kinh tế và cấu trúc của hệ thống tài chính Việt Nam. Khi trần lãi suất tiền gửi được khống chế nhưng NIS hầu như không giảm đã thể hiện những rủi ro mà ngân hàng gặp phải đang tăng lên, trong đó nổi bật là rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng. Khi những rủi ro này chưa được xử lý thì việc tiếp tục giảm trần lãi suất tiền gửi xuống sẽ càng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Hệ quả trực tiếp của nó là sẽ có nhiều ngân hàng hơn nữa rơi vào vùng xám rủi ro thanh khoản và chắc chắn rằng chi phí đối phó rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tăng lên, chưa kể chi phí mà NHNN phải bỏ ra để tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng yếu kém. Diễn biến thời gian qua cho thấy, tình trạng thiếu hụt thanh khoản của một số ngân hàng có lúc đạt đến đỉnh điểm khi lãi suất liên ngân hàng lên đến trên 35%/năm. Tệ hại hơn, một số ngân hàng còn không thể trả được nợ vay liên ngân hàng và buộc phải né tránh các cuộc đòi nợ. Điều này cũng có nghĩa là các ngân hàng này đã bị tước đi quyền tiếp cận thị trường liên ngân hàng – nơi có thể giúp giải toả các áp lực thanh khoản tạm thời và không bị áp trần lãi suất.

Trong khi nguồn vốn huy động bị sụt giảm hoặc chững lại thì cùng với việc khống chế tăng trưởng tín dụng sẽ càng làm cho nguồn quỹ cho vay trở nên khan hiếm hơn. Sự khan hiếm vốn cho vay cùng với chi phí đối phó rủi ro thanh khoản tăng cao sẽ chỉ khiến các ngân hàng dồn gánh nặng sang người đi vay. Nếu điều này xảy ra thì lãi suất cho vay không những không giảm mà còn có khả năng tăng lên. Hệ quả là mong muốn cắt giảm lãi suất để giảm lạm phát (?) của Chính phủ khó lòng đạt được. Cái giá của sự bình ổn vĩ mô (giảm lạm phát) theo kiểu như vậy chỉ có thể được đánh đổi bởi sự bất ổn tài chính không ngừng của hệ thống ngân hàng.

Đứng ở phương diện người gửi tiền thì khi lãi suất giảm đòi hỏi ngân hàng phải bù đắp bằng một lợi ích khác. Lợi ích đó không còn là tiền khuyến mãi của ngân hàng – thứ mà NHNN cấm – mà chính là lợi ích thanh khoản – thứ mà NHNN khó cấm. Cơ cấu tiền gửi sẽ lệch về các tài khoản tiền gửi siêu ngắn hạn cũng như tiền gửi không kỳ hạn. Nếu các tài khoản này được tạo ra thì lãi suất hiệu dụng sẽ vượt trên mức lãi suất trần danh nghĩa 14%/năm của NHNN. Tăng lợi ích thanh khoản cho người gửi tiền cũng đồng nghĩa với việc tăng chi phí thanh khoản cho ngân hàng, tức tăng độ bấp bênh tài chính.

Ở phương diện quản trị ngân hàng, khi nguồn vốn tiền gửi bị lệch về ngắn hạn thì cấu trúc các khoản cho vay cũng phải là ngắn hạn, bởi nếu không ngân hàng sẽ gặp rủi ro kỳ hạn mà biểu hiện trực tiếp chính là rủi ro kép (thanh khoản và tín dụng). Động cơ cho vay ngắn hạn của ngân hàng còn nhằm đối phó với yêu cầu tăng trưởng tín dụng trong năm của NHNN. Nghĩa là, các ngân hàng sẽ cân đối kỳ hạn các khoản cho vay sao cho đến thời điểm báo cáo dư nợ nằm trong giới hạn cho phép. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chỉ có nhu cầu vay ngắn hạn để tránh rủi ro lãi suất khi NHNN được kỳ vọng sẽ tiến hành giảm lãi suất trong tương lai. Tất cả các kỳ vọng này sẽ càng gây áp lực hơn nữa lên lãi suất ngắn hạn, làm cho đường cong lãi suất thêm méo mó. Lãi suất dài hạn sẽ càng giảm sâu nếu trần lãi suất tiền gửi tiếp tục bị áp ở mức quá thấp. Khi tiết kiệm dài hạn không được khuyến khích thì chắc chắn nguồn vốn dành cho tăng trưởng dài hạn sẽ bị ảnh hưởng. Tiết kiệm trong nước không đủ thì phải vay mượn thêm ở nước ngoài mà điều này thì đồng nghĩa với việc gia tăng thâm hụt thương mại.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu đi vay ngắn hạn để tài trợ nhu cầu vốn lưu động trong khi rất ít các doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển. Thực trạng này cảnh báo rằng mức tăng trưởng hiện nay là không bền vững và nguồn cho tăng trưởng trong 5 – 10 năm tới đang bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, các chính sách áp chế tài chính (áp trần lãi suất, kiểm soát tăng trưởng tín dụng khu vực tư nhân) đã gây biến dạng nghiêm trọng chức năng phân bổ vốn của thị trường tài chính. Khi lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao thì không hẳn sẽ giúp loại bỏ các dự án xấu như kỳ vọng. Ngược lại, do tình trạng bất cân xứng thông tin nên ngân hàng không thể phân biệt được khách hàng tốt với khách hàng xấu, kết quả là ngân hàng sẽ gặp tình thế lựa chọn bất lợi (adverse selection). Thực tế trong bối cảnh hiện nay, vẫn có lựa chọn có lợi cho ngân hàng, đó là tăng cường cho vay các doanh nghiệp thân hữu (chi phối bởi các cổ đông lớn) và doanh nghiệp nhà nước (chi phối bởi Chính phủ). Quyết định cho vay của ngân hàng trong những tình huống như vậy là quyết định phi kinh tế và có thiên hướng chính trị. Khi nguồn vốn vẫn tiếp tục chảy vào khu vực kém minh bạch và kém hiệu quả như vậy thì không khó để lý giải vì sao kinh tế Việt Nam mãi tăng trưởng dưới mức tiềm năng mà lạm phát cứ tăng cao.

Hàm ý của phân tích này là Chính phủ cần phải khuyến khích nền kinh tế gia tăng tiết kiệm dài hạn thông qua mức lãi suất thực dương có so sánh và cạnh tranh chứ không phải lãi suất danh nghĩa cao. Mức lãi suất thấp nhất phải đảm bảo không làm dịch chuyển dòng tiết kiệm từ khu vực ngân hàng sang khu vực phi chính thức và đặc biệt là không để rò rỉ tiết kiệm ra nước ngoài. Quan trọng hơn, Chính phủ cần phải xoá bỏ triệt để các biện pháp áp chế tài chính nhằm hướng dòng vốn đến các hoạt động đầu tư hiệu quả, có tính dài hạn và có khả năng tạo ra tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Chính phủ không đủ quyền năng để nhận biết đâu là nơi có hiệu quả nhất cho đồng vốn sinh lời và cũng không thể làm thay thị trường. Thay vào đó, Chính phủ nên đóng vai trò tạo điều kiện để lãi suất thực hiện tốt chức năng phân bổ vốn của mình một cách tối ưu nhất cho nền kinh tế.

bình luận 0 Lượt xem 2272
Tin mới hơn

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2408378
Đang truy cập: 6
This page was created in 0.04436 seconds.