Liên kết

Tăng trưởng tín dụng: Số lượng cần, nhưng chất phải đủ
Theo: Thời báo ngân hàng - Cập nhật lúc: 10:55:41 - 24/06/2013


5 tháng đầu năm, TTTD đạt xấp xỉ 3%, còn 9% – một chặng khá dài nữa TTTD mới đạt kế hoạch năm nay. Song, theo ý kiến của các chuyên gia, điều này vẫn có thể đạt được nhờ một số cơ sở như: TTTD thường tốt hơn vào nửa cuối năm; Các hoạt động phối hợp chính sách giữa chính sách tiền tệ (CSTT) và chính sách tài khóa (CSTK) mạnh mẽ hơn; VAMC đã được thành lập... Dưới đây là quan điểm và một số nhìn nhận của các chuyên gia, lãnh đạo NHTM xung quanh vấn đề này.

 



Tuân thủ nghiêm các quy định về cấp vốn tín dụng để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh


TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng:

Giải cơn khát trước mắt, cần tính đến tác động lâu dài

TS. Nguyễn Trí Hiếu


Tôi cũng kỳ vọng là TTTD sẽ đạt được 12% trong năm nay. Nhưng nếu chỉ đạt được 10% cũng không phải là điều tồi tệ, vì nền kinh tế của mình vẫn còn trong tình trạng khó khăn. Việc đẩy TTTD lên là cần thiết, nhưng vẫn cần đảm bảo các điều kiện thích hợp. Thành ra đối với chỉ tiêu TTTD 12%, tôi kỳ vọng nhưng có lẽ không nên bắt buộc bằng mọi giá để đạt được, mà chúng ta cần quan tâm đến chất lượng.

Việc đẩy tín dụng ra mà tín dụng ấy chất lượng tốt thì tuyệt vời, bởi nó vừa giúp cho DN, vừa giúp cho ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản dư giả hiện nay. Nhưng nếu đẩy tín dụng ra thiếu kiểm soát, không đúng chuẩn để trở thành những “đám nợ xấu” mới trong tương lai thì đó chính là cái giá phải trả mà chúng ta cần tính tới khi cố đạt mục tiêu TTTD 12%.

Do đó, có thể rất nhiều DN ngoài kia đang cần vốn nhưng việc đáp ứng các điều kiện cho vay vẫn phải đặt ra, không thể xem nhẹ vì phải tính đến những hệ lụy cũng như hiệu quả kinh tế. Quan trọng là cần cho vay ra đúng địa chỉ, đúng thời điểm, đảm bảo các tiêu chuẩn. Còn con số có thể chỉ ở mức 10% cũng là tốt rồi.

Các yếu tố về phối hợp chính sách, đưa ra các gói hỗ trợ nền kinh tế, DN và người tiêu dùng, thành lập VAMC… sẽ hỗ trợ tích cực cho phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, xét trong từng mảng một cũng chưa thấy khởi sắc và tác động ngay.

Ví dụ, vấn đề VAMC đã có nhưng giờ mới đang hoàn tất các quy trình để đi vào hoạt động nên cũng còn phải mất một thời gian nữa. Hơn nữa, Công ty này chỉ giúp giải quyết nợ xấu trong quá khứ. Còn vấn đề nợ xấu trong tương lai có lớn không, có được giải quyết hay không lại tùy thuộc vào chất lượng tín dụng, tùy thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế từ lúc này trở đi.

Hay như gói 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ vay mua nhà ở thì dù đã có nhiều người đăng ký nhưng cũng chưa thấy bắt đầu giải ngân được nhiều nên cũng chưa thể khẳng định đây là một cú huých tuyệt vời cho thị trường bất động sản. Về phối hợp CSTT – CSTK cũng vậy, dù các bên đang rất cố gắng nhưng thực sự CSTT vẫn đang chịu quá nhiều áp lực, trong khi CSTK thì ngân sách của quốc gia cũng hạn hẹp…

Tôi cho rằng nền kinh tế hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, nhưng nên tận dụng đó như là các cơ hội để chấn chỉnh lại để các TCTD cho vay ra một cách hợp lý hơn, kỷ luật hơn, đúng tiêu chí hơn.

 


TS. Cấn văn Lực – Chuyên gia tài chính ngân hàng:

Nhiều cơ sở cho thấy mục tiêu có thể đạt được

TS. Cấn Văn Lực


Tôi cho rằng mục tiêu TTTD 12% năm nay có nhiều cơ sở để đạt được vì nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì TTTD cho đến thời điểm này đã tốt hơn. Trong khi đó, tình hình chung của kinh tế thế giới cũng như trong nước cũng “ấm” hơn so với năm ngoái. Bên cạnh đó, cầu tín dụng từ nay đến cuối năm cũng sẽ được cải thiện nếu theo quy luật của nhiều năm qua, đặc biệt trong bối cảnh xu thế các lãi suất tiếp tục giảm và nhiều gói hỗ trợ được đưa ra.

Kể cả việc ODA năm nay tôi được biết Chính phủ cũng sẽ ưu tiên giải ngân nhiều hơn, đặc biệt phần vốn đối ứng trong nước (cho vay ủy thác, cho vay ODA cũng được tính vào TTTD). Hoạt động đầu tư vào trái phiếu Chính phủ năm nay cũng có thể cao hơn năm 2012, vì năm ngoái các ngân hàng còn phải lo thanh khoản, trong khi năm nay thanh khoản khá hơn do lượng tiền của dân cư, tổ chức gửi vào ngân hàng vẫn tăng tốt vừa qua, nhất là cơ cấu kỳ hạn dài được cải thiện.

Một yếu tố quan trọng nữa là năm nay lạm phát không đáng lo ngại như 2012. Vì lạm phát không đáng lo ngại nên tạo dư địa tốt hơn cho Chính phủ khuyến khích vừa giảm lãi suất, vừa đẩy tín dụng ra. Song song với đó, việc triển khai các giải pháp, những gói hỗ trợ và hoạt động phối hợp của các bộ ngành cũng mạnh mẽ hơn nhiều so với năm ngoái.

Đơn cử, Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đã được đưa ra ngay trong tháng 1/2013 trong khi năm ngoái, Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường mãi đến tháng 5/2012 mới được đưa ra. Tức là xét về độ trễ thì năm ngoái chậm chạp hơn nhiều.

Ngoài ra, việc XLNX năm nay đã có bước đi cụ thể hơn, có phác đồ điều trị rõ hơn. Khi chúng ta biết “bệnh” rồi thì hy vọng nợ xấu cũng sẽ được xử lý nhanh hơn, tạo điều kiện cho các ngân hàng đẩy tín dụng ra tốt hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, việc hoãn Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro vừa qua cũng giúp cho nợ xấu không bị tăng mạnh, các ngân hàng có điều kiện cho vay ra tốt hơn.


Hiện nông nghiệp - nông thôn đang là đích đến tín dụng của nhiều ngân hàng


Phó Tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung:

Nhiều tín hiệu tích cực hỗ trợ TTTD “cán đích”

Ông Lê Thành Trung    


Theo đánh giá của tôi có nhiều tín hiệu tích cực để đặt kỳ vọng TTTD toàn hệ thống đạt mục tiêu 12%. Sự kỳ vọng TTTD có thể đến từ một loạt  chính sách tín dụng rất tích cực, có hiệu ứng lan truyền trên thị trường. Những điểm nhấn chính sách trên gồm: gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội sẽ tạo cú huých cho thị trường bất động sản. Thay vì đóng băng, thị trường bất động sản đã có giao dịch nhất là phân khúc nhà ở xã hội. Đích đến này có ý nghĩa rất quan trọng.

Sự ra đời VAMC cũng là một tín hiệu tích cực. Tất nhiên chúng ta không kỳ vọng quá lớn vào số nợ xấu công ty này giải quyết, nhưng chắc chắn góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, qua đó giúp dòng vốn chảy vào nền kinh tế nhiều hơn.

Một chính sách nữa góp phần cải thiện TTTD đó là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc giao NHNN chỉ định, hướng dẫn một số NHTM thực hiện cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu năm 2013. Theo đó, NHNN đã vừa chỉ đạo 14 ngân hàng thực hiện cho vay mua thóc gạo tạm trữ vụ Hè Thu 2013.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô cũng diễn tiến tích cực hơn khi tín hiệu tổng cầu dần phục hồi từ ngành hàng tiêu dùng, giao dịch bất động sản tăng dần nhất là phân khúc căn hộ thu nhập trung bình… Trong khi đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay đang ở mức hợp lý; nhiều ngân hàng đang có chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn kỳ vọng của người vay… Với các yếu tố trên dù không quá lạc quan nhưng tôi nghĩ rằng, TTTD sẽ cải thiện rõ rệt trong những tháng còn lại của năm.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng:

Tín dụng tăng trưởng tốt nhất khi kinh tế ổn định trở lại

Ông Nguyễn Đình Tùng


Chỉ tiêu TTTD mà NHNN cho phép OCB ở mức 9%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, TTTD của OCB không “ăn thua”. Với tình hình hiện nay có lẽ OCB cũng chỉ sử dụng hết room này. Để TTTD cải thiện trong những tháng còn lại của năm chúng tôi vẫn tập trung đối tượng khách hàng truyền thống là DNNVV, cho vay tiêu dùng, hộ sản xuất kinh doanh. Trong chiến lược phát triển của OCB chúng tôi đặt kỳ vọng 3 đối tượng không chỉ hiện tại mà trong tăng trưởng dài hạn tương lai.

Bên cạnh đưa ra mức lãi suất hợp lý, OCB cố gắng đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, chủ động tiếp cận khách hàng, liên kết đối tác tạo ra những sản phẩm phù hợp với năng lực tài chính của khách hàng. Ví dụ như mới đây OCB phát hành thẻ tín dụng nội địa ECC. Sự tiện ích của chủ thẻ ECC, khách hàng không cần mở tài khoản tại OCB, thủ tục nhanh chóng, nhất là chủ thẻ hưởng lãi suất 0% trong vòng 6 tháng, và thậm chí khi mua sắm bằng thẻ,  khách hàng còn được các nhà cung cấp liên kết với ngân hàng chiết khấu 5 – 10% giá trị hàng hóa…

Đây là một trong những giải pháp tăng hấp dẫn cho các sản phẩm tín dụng ngân hàng. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng TTTD được cải thiện.

Trên thực tế, những tháng cuối năm nhu cầu vốn thường tăng hơn. Nhưng theo tôi điều đó chỉ là một phần, quan trọng nhất là sự khôi phục thực sự của kinh tế vĩ mô. Bởi, khi kinh tế tăng trưởng tốt, DN có nhiều cơ hội kinh doanh, phát triển ổn định, theo đó nhu cầu vay vốn cũng tăng lên. DN phát triển tốt, thu nhập người dân được cải thiện, kích thích vay tiêu dùng. Vì thực chất vay tiêu dùng là việc ứng trước thu nhập trong tương lai.

Do đó, khi kinh tế ổn định, DN phát triển, thu nhập người dân cao lên niềm tin vững vàng hơn khi vay vốn và đây sẽ là thời điểm TTTD tốt nhất. Còn thời điểm này, hoạt động DN gặp nhiều khó khăn, đương nhiên tác động đến thu nhập và việc làm người lao động. Do đó, ngay cả những người đang  có việc làm cũng đang lo lắng thu nhập trong tương lai khi mà chưa nhận thấy tín hiệu tích cực từ nền kinh tế.

bình luận 0 Lượt xem 1996
Tin mới hơn
Tin cũ hơn
Quán triệt và tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2012 (02/06/2014)
Những điểm sáng trong mô hình kinh tế hợp tác xã (03/10/2013)
Năm 2012, ngân hàng Việt có thể chỉ còn 2/3 (03/10/2013)
“Tư lệnh” ngành Ngân hàng với các ý kiến đa chiều (20/06/2013)
Mạnh tay với TCTD tìm kiếm lợi ích riêng (19/06/2013)
Ngân hàng thương mại phải ứng xử chuyên nghiệp (18/06/2013)
Thống đốc: Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 12-15% (17/06/2013)
Thỏa giấc mơ “an cư” cùng ngân hàng (13/06/2013)
Nhiều ngân hàng cho vay lãi suất 0% (12/06/2013)
Tuần tới, các ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh giải ngân cho vay nhà ở xã hội (11/06/2013)

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2421778
Đang truy cập: 6
This page was created in 0.03406 seconds.