Liên kết

Tạo nền tảng để kinh tế tăng trưởng tốt hơn
Theo: - Cập nhật lúc: 14:20:02 - 17/06/2013


Vàng, ngoại tệ đang được chuyển thành VND

Những tháng đầu năm, các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) đã được NHNN điều hành một cách linh hoạt và đồng bộ; đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối đồng thời đảm bảo kiểm soát tiền tệ. Nhiều chuyên gia đánh giá: Điều hành chính sách lãi suất của NHNN thời gian qua phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát.

Đến 31/5/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% so với cuối năm 2012, khá phù hợp với định hướng 14-16% cho cả năm 2013. Huy động vốn tăng 6,59% so với cuối năm 2012; trong đó huy động vốn bằng VND tăng 7,55%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 0,84%.

Huy động vốn VND tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (tăng 11,5%), tổ chức kinh tế (tăng 1,23%) cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn được người dân ưu tiên lựa chọn. Tiền gửi VND của người dân tăng cao trong điều kiện thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp, phản ánh nguồn tiền này chủ yếu được chuyển đổi từ vàng và ngoại tệ sang VND.

Điều này cho thấy những tác động tích cực của chính sách giảm tình trạng vàng hóa và đô la hóa mà NHNN đã tích cực triển khai thời gian qua.



Lãi suất giảm, kích thích doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh


Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm. Và đã lâu rồi, đường cong lãi suất huy động đã hình thành. Chia sẻ với DN, tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng đã tự “ép” mình khi điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (LSCV) bằng VND khoảng 3 - 4%/năm; trong khi mặt bằng lãi suất huy động VND chỉ giảm khoảng 2-3%/năm so với cuối năm 2012. Hiện LSCV tương đương giai đoạn 2005 – 2006, thấp hơn so với năm 2007.

Theo đó, LSCV phổ biến của các NHTM Nhà nước đối với 5 lĩnh vực ưu tiên khoảng 8-10%/năm; LSCV thấp nhất đã về mức chỉ 7-8%/năm; trung bình khoảng 9-11%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 11,5-12,5%/năm…

Có thể thấy, NHNN đã điều hành các giải pháp tín dụng linh hoạt theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của TCTD, phù hợp với mục tiêu điều hành CSTT; tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên.

Toàn bộ Ban lãnh đạo NHNN đã làm việc với nhiều tỉnh, thành phố; phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng và DN để triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ tam nông, phát triển sản xuất chăn nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu; cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo; cho vay thủy sản; chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới...

Điều này cho thấy sự quyết tâm của NHNN không chỉ trong đảm bảo ổn định, an toàn hệ thống mà còn hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để đưa ra gói tín dụng hỗ trợ nhà ở và đang được các NHTM tích cực triển khai.

Một điểm nổi bật của hệ thống ngân hàng thời gian qua là thanh khoản của các TCTD cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống. Tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường I giảm còn 91,8% (cuối 2012 là 94,3%, cuối 2011 là 98,5%). Thống kê cho thấy: số dư tiền gửi của các TCTD tại NHNN bình quân trong 5 tháng đầu năm 2013 khoảng 89.800 tỷ đồng, cao hơn khoảng 34.100 tỷ đồng so với dự trữ bắt buộc bình quân.

Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm so với đầu năm và duy trì ổn định ở mức thấp (1% - 1,2%/năm kỳ hạn qua đêm, 2,5-3%/năm kỳ hạn 1 tháng). Thừa vốn, nhiều TCTD đã tăng cường mua trái phiếu Chính phủ, số dư trái phiếu Chính phủ các loại hiện vào khoảng 403.763 tỷ đồng, tăng 17,03% so với cuối năm 2012.

Nhờ các giải pháp điều hành nhất quán, kết hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối và tỷ giá tiếp tục ổn định. Ngay từ đầu năm Thống đốc NHNN đã đưa ra thông điệp ổn định tỷ giá trong biên độ tăng không quá 2-3% trong năm 2013 đã tăng lòng tin của người dân vào VND. Tất nhiên, có những thời điểm, tỷ giá biến động, nhưng chủ yếu do yếu tố tâm lý và đã ổn định trở lại khi NHNN kịp thời can thiệp với khối lượng hợp lý.

Ông Sumit Dutta - Tổng giám đốc HSBC tại Việt Nam cho rằng, NHNN đã theo sát thị trường ngoại hối và can thiệp ngay khi thị trường có các biến động nhỏ như việc sử dụng dự trữ ngoại hối Nhà nước để nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng tăng cung, can thiệp bình ổn thị trường vàng. Chính cách thức này đã giúp hạn chế sự biến động mạnh của thị trường mà lại không tốn dự trữ quốc gia.

Cùng với CSTT linh hoạt, thận trọng, công tác Quốc hội cũng được NHNN triển khai tích cực. Hầu hết NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động tham gia các đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội trên địa bàn và tổ chức làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội để nắm bắt, giải trình kịp thời các vấn đề cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị liên quan đến tiền tệ, ngân hàng. Cùng với đó, NHNN cũng tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự nhận thức sâu rộng, kịp thời về các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, hỗ trợ cho quá trình điều hành CSTT...

Cần sự đồng hành của các bộ, ngành

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá: NHNN đã có những bước tiến quan trọng nhằm giảm lạm phát, ổn định thị trường tài chính, và nỗ lực tránh nguy cơ bùng nổ khủng hoảng ngân hàng. Đây là những thành tựu lớn, đặc biệt trong bối cảnh có áp lực phải kích thích tăng trưởng kinh tế đang chậm dần...

Tuy nhiên, việc điều hành CSTT hiện đang phải đối mặt với một số vấn đề: Mặc dù NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng tín dụng cho nền kinh tế vẫn tăng ở mức thấp so với chỉ tiêu định hướng cả năm 12%. Tín dụng tăng chậm khi lãi suất giảm mạnh cho thấy lãi suất không còn là nguyên nhân cản trở dòng vốn tín dụng mà chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nợ xấu còn ở mức cao, ngân sách còn nợ đọng DN một khối lượng lớn.

Bởi vậy, giải quyết tình trạng ách tắc tín dụng trong nền kinh tế cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ đúng những nút thắt quan trọng như: giải quyết nợ xấu; tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN; giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, thực hiện các cơ chế hỗ trợ cho DN vay vốn ngân hàng.

Một vấn đề khác: Tích cực hỗ trợ DN, triển khai nhiều giải pháp nhằm kích cầu nền kinh tế, nhưng bản thân các NHTM cũng cần giữ được “sức khỏe”, sự ổn định. Thống kê cho thấy, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra giảm mạnh trong thời gian qua. Đến cuối tháng 3/2013, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm cuối năm 2012. Đây là sức ép không nhỏ đối với các TCTD trong những tháng cuối năm khi phải tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Những tháng đầu năm, mặc dù các bộ, ngành đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, nhưng trước thực tế tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, DN tiếp tục gặp nhiều khó khăn... thì dường như trọng trách vừa kiểm soát tốt lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn đặt nặng lên vai ngành Ngân hàng. Dường như đã “quen” với việc này, lãnh đạo NHNN cho biết: NHNN sẽ tiếp tục chủ động điều hành các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, điều tiết tiền tệ hợp lý để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng nguồn vốn để mở rộng tín dụng ra nền kinh tế.

Những tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục cho vay tái cấp vốn với khối lượng và thời hạn hợp lý đối với các TCTD để cho vay mua nhà ở; hỗ trợ việc giải quyết nợ xấu, hỗ trợ phát triển kinh tế; Điều hành các mức lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, điều kiện của thị trường tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát... Đồng thời khẩn trương thực hiện các bước và thủ tục cần thiết để sớm đưa Công ty quản lý tài sản đi vào hoạt động nhằm thúc đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế...

“Chúng tôi đã, tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao phó, nhưng hơn lúc nào hết, ngành Ngân hàng cần sự chia sẻ, chung tay của các bộ, ngành”, lãnh đạo NHNN nói và đề nghị: Các bộ, ngành cần có sự phối hợp để triển khai các giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Đơn cử, Bộ Tài chính cần thực hiện các biện pháp để xử lý nhanh, dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của Ngân sách để tạo điều kiện cho DN khơi thông dòng vốn, đưa vào hoạt động trở lại, đồng thời trả nợ ngân hàng, giảm nợ xấu; tăng cường hoạt động bảo lãnh đối với DN vay vốn ngân hàng; đặc biệt là hoạt động bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với các DNNVV; đẩy mạnh các hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Hay như Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với NHNN và các bộ, ngành liên quan để sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn các quy định về xử lý tài sản bảo đảm; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng để tạo điều kiện cho các TCTD xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, giảm nợ xấu và có cơ sở để mở rộng tín dụng cho nền kinh tế...


 

Tính đến ngày 31/5/2013, tín dụng tăng 2,98%, so với cuối năm 2012. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 5,48%, bằng ngoại tệ giảm 8,41%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhất là cho tam nông (tăng khoảng 4%) và xuất khẩu (tăng 5,74%). Đến cuối tháng 4/2013, dư nợ cho vay thu mua lúa, gạo đạt 30.660 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của 4 NHTM Nhà nước theo chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch tăng 15% so với cuối năm 2012. LSCV đối với các hộ gia đình, trang trại, HTX, DN phát triển sản xuất chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu được giảm xuống tối đa là 10%/năm. Tính đến cuối tháng 4, doanh số cho vay cá tra, tôm, chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm theo công văn số 1149/TTg-KTN đạt 63.193 tỷ đồng...

 


bình luận 0 Lượt xem 2352
Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2417662
Đang truy cập: 19
This page was created in 0.04154 seconds.