Liên kết

Giải pháp của bộ trưởng “hiền quá”
Theo: Thời báo ngân hàng - Cập nhật lúc: 11:12:00 - 13/06/2013


Chiều 12/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tuy nhiên phần trả lời chất vấn của vị Bộ trưởng hầu như không giúp các đại biểu an lòng.

Theo gợi ý của Đoàn chủ tịch kỳ họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát phải làm rõ 3 nội dung quan trọng gồm: những biện pháp khắc phục tồn tại yếu kém, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp; Biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề giống cây trồng, phân bón, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng; và chương trình xây dựng nông thôn mới.

 



Cần đẩy mạnh cơ giới hóa để tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp


Đi thẳng vào vấn đề, đại biểu Nguyễn Thị Bích Diệp (Yên Bái) nêu, thời gian qua ngành chăn nuôi suy giảm do dịch bệnh gia tăng và không được kiểm soát có hiệu quả, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi đó nhập lậu gia súc, gia cầm thực phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong nước bị cạnh tranh gay gắt làm cho người nông dân không có lãi, sản phẩm khó tiêu thụ. Giải pháp thời gian tới như thế nào?

Sau khi vòng vèo một loạt thành tích, vị Bộ trưởng cho rằng, để khắc phục những khó khăn trước mắt và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ lâu dài, Bộ đang chủ trương trong khuôn khổ chương trình tái cơ cấu ngành, rà soát để cơ cấu lại ngành chăn nuôi bằng cách cùng với các địa phương xác định những loại gia súc, gia cầm phù hợp nhất với các tiểu vùng. Bên cạnh đó là tập trung rà soát lại cây con giống.

Kết quả rà soát cho thấy thấy, năng suất của nhiều loại gia súc, gia cầm nước ta thua kém so với các nước tiên tiến vì thế cần có điều chỉnh quyết liệt trong lĩnh vực này. Bộ cũng khuyến khích phương thức chế biến thức ăn công nghiệp hoặc tiền công nghiệp để tăng hiệu quả sản xuất thức ăn, đồng thời sản xuất nguyên liệu trong nước để giảm giá thức ăn, chuyển sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp để tăng năng suất.

Cách trả lời rất chung chung cũng được lặp lại khi đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, người nông dân đang lỗ kép, nghĩa là trong năm 2012 kể cả 5 tháng đầu năm 2013, doanh thu của họ suy giảm nghiêm trọng nhưng chi phí đầu vào gia tăng. Vậy Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì nhất để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, giúp người nông dân thoát nghèo và yên tâm sản xuất trên mảnh đất của mình?

Bộ trưởng cho rằng, giải pháp quan trọng, có tính đột phá với ngành là triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả là chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Chính vì vậy, Bộ đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án và Bộ đã bàn bạc, phân công; sắp tới sẽ triển khai toàn ngành nhằm giải quyết căn cơ tồn tại và phát triển toàn diện, hiệu quả hơn.

Vẫn chưa hài lòng, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần có gói giải pháp cụ thể hơn, trực tiếp hơn trong việc hỗ trợ nông nghiệp và người nông dân như hỗ trợ trực tiếp cả vốn và lãi suất để người nông dân yên tâm sản xuất và chăn nuôi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời rằng, hiện nay khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp gặp phải là thị trường tiêu thụ, lúa đang chín đầy đồng khắp từ Nam tới Bắc, trái cây cũng nhiều, lợn gà cũng lắm… nhưng chính vì thị trường khó khăn nên giá xuống, thu nhập nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế lúc này một mặt Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ các DN cấp tốc mua 1 triệu tấn gạo quy đổi để tạm trữ, hỗ trợ giữ giá cho nông dân.

Mặt khác, Chính phủ cũng chỉ đạo ngành Ngân hàng tăng cường cấp tín dụng cho nông dân để giúp họ không bán lúa non, duy trì đàn gia súc, đồng thời Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ phối hợp với DN thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Chúng ta cần những giải pháp lâu dài và những giải pháp này nằm trong đề án tái cơ cấu.

Sau rất nhiều diễn giải dài dòng, Bộ trưởng mới đi đến một giải pháp được cho là “cụ thể” hơn. Rằng: một mặt chúng ta cần hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, nhưng một mặt cũng cần đầu tư vào những nhiệm vụ có tính chất lâu dài và căn cơ của ngành như: nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó đặc biệt là nâng cấp và cải tiến các loại giống cây trồng, vật nuôi, rồi hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm...

Cuối cùng, sau khi nghe Bộ trưởng Phát vòng vo, đại biểu Trần Hoàng Ngân đành phải thốt lên, các giải pháp của bộ trưởng … “hiền quá”! Trong khi nhiều lĩnh vực khác như ngành vật liệu xây dựng, bất động sản trong thời gian qua khi gặp khó khăn, các Bộ trưởng, Thứ trưởng của ngành này đã thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo, đưa ra nhiều yêu cầu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp hỗ trợ, nhưng với Bộ Nông nghiệp, tiếng nói của Ngành đưa ra lại quá nhẹ.

Đại biểu Ngân cũng đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ mạnh hơn cho nông nghiệp và nông dân đang gặp khó khăn bằng những gói hỗ trợ và giải pháp hết sức cụ thể.

bình luận 0 Lượt xem 8413
Tin mới hơn
Tin cũ hơn

Trang chủ Giới thiệu Sản phẩm & dịch vụ Thông báo lãi suất Tuyển dụng Tin tức & sự kiện Liên hệ - góp ý


Bản quyền © 2011 bởi Quỹ  tín dụng Nam Sông Hậu - TP Cần Thơ

Địa chỉ : Lô 3A, KDC Hưng Phú 1, Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP - Cần Thơ
Email: quytindung@namsonghau.com -
  Website: www.namsonghau.com

ĐT: 02923.919192 - Fax: 02923.919193

Tổng lượt truy cập: 2411245
Đang truy cập: 3
This page was created in 0.04010 seconds.